Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng Indonesia sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ khi cơ hội xuất khẩu sang quốc gia Bắc Mỹ này gia tăng.
Nhà kinh tế Ndiame Diop của WB cho biết sự phục hồi của kinh tế Mỹ với mức tăng trưởng 4,6% trong Quý 2/2014, cao nhất trong 3 năm qua, đã làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu - một cơ hội tốt cho các đối tác thương mại trong đó có Indonesia, và dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào quốc đảo sẽ tăng mạnh nếu chính phủ mới ở Indonesia đẩy mạnh cải cách cơ sở hạ tầng.
Ông Ndiame Diop lưu ý Indonesia cần chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh bởi các lợi ích từ thương mại được huởng từ sự phục hồi nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới của Indonesia ít hơn so với các nền kinh tế khác ở châu Á có lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa công nghệ như Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc.
Mỹ là một trong những nhà nhập khẩu hàng hóa công nghệ lớn nhất thế giới, trong khi xuất khẩu của Indonesia chủ yếu dưới hình thức các mặt hàng giá trị gia tăng không cao như dầu cọ, càphê, cao su, chè, cá, thuốc lá, dệt may, giày dép.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS), Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia sau Trung Quốc, và là nhà đầu tư lớn thứ 5 vào Indonesia trong quý 3/2014 với 302,7 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm nay Indonesia đã xuất khẩu sang Mỹ 10,5 tỷ USD hàng hóa.
Cũng theo BPS, xuất khẩu chiếm 23% tổng sản phẩm quốc (GDP) của Indonesia, và trong 8 tháng đầu năm nay Indonesia đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 117,42 tỷ USD, giảm 1,52% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu phí dầu-khí đạt 96,64 tỷ USD, giảm 1,29%c.
Các nhà hoạch định chính sách Indonesia một mặt hy vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ đuợc cải thiện, song mặt khác lo ngại khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất khi kinh tế nước này phục hồi - một động thái sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu của quốc đảo./.