Indonesia tăng giá nhiên liệu nhằm cải thiện thâm hụt ngân sách

Theo quyết định mới, từ ngày 18/11, giá xăng sẽ tăng lên 8.500 rupiah/lít (khoảng 15.000 đồng), trong khi dầu diesel sẽ tăng lên 7.500 rupiah/lít (khoảng 13.000 đồng).
Indonesia tăng giá nhiên liệu nhằm cải thiện thâm hụt ngân sách ảnh 1Một trạm bán xăng ở Jakatar, Indonesia. (Nguồn: news.xinhuanet.com)

Tại cuộc họp ngày 17/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng giá xăng dầu - mặt hàng lâu nay vẫn được được nhà nước trợ giá.

Quyết định này được đánh giá là bước đi cần thiết để cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách, đồng thời tăng ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.

Theo quyết định mới, từ ngày 18/11, giá xăng sẽ tăng từ 6.500 rupiah/lít lên 8.500 rupiah/lít (khoảng 15.000 đồng), trong khi dầu diesel sẽ tăng từ 5.500 rupiah/lít lên 7.500 rupiah/lít (khoảng 13.000 đồng). Giá dầu hỏa vẫn giữ nguyên ở mức 2.500 rupiah/lít.

Bộ trưởng Tài chính Bambang Brodjonegoro cho biết quyết định mới sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 100.000 tỷ rupiah (8,3 tỷ USD).

Giải thích về quyết định tăng giá nhiên liệu, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết biện pháp này nhằm chuyển số tiền từ trước đến nay dành trợ cấp nhiên liệu sang đầu tư vào sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc tăng giá nhiên liệu đến đời sống xã hội, nhất là những người nghèo và người có thu nhập thấp, chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp đền bù và hỗ trợ dưới hình thức cấp các loại thẻ gia đình, thẻ y tế và thẻ thông minh để đảm bảo duy trì sức mua của người dân và khuyến khích họ sản xuất kinh doanh.

Indonesia hiện là nước nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu châu Á và có mức trợ cấp giá nhiên liệu cao nhất trong khu vực.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá nhiên liệu sẽ tác động tích cực đến khả năng đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2015 ở mức 2,2% GDP, đồng thời giảm kim ngạch nhập khẩu năng lượng của Indonesia, vốn là nguyên nhân gây mất cân bằng cán cân thương mại của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và khiến đồng rupiah mất giá so với USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chính sách mới này cũng sẽ đẩy lạm phát tăng cao, có thể lên tới 7,3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.