Indonesia và Malaysia sẽ lập hội đồng các nước sản xuất dầu cọ

Hội đồng này được lập ra nhằm mục đích bình ổn giá dầu cọ thông qua quản lý sản lượng cũng như dự trữ dầu cọ trên thị trường toàn cầu.
Indonesia và Malaysia sẽ lập hội đồng các nước sản xuất dầu cọ ảnh 1Thu hoạch quả cọ tại một khu vườn ở Medan, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài nguyên Indonesia Rizal Ramli cho biết Indonesia và Malaysia– hai nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – ngày 21/11 đã ký kết thỏa thuận thành lập Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ đặt trụ sở tại Jakarta.

Hội đồng này được lập ra nhằm mục đích bình ổn giá dầu cọ thông qua quản lý sản lượng cũng như dự trữ dầu cọ trên thị trường toàn cầu.

Theo Bộ trường Rizal, Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ sẽ hoạt động theo cơ chế tương tự Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đối với các nhà sản xuất dầu mỏ. Hội đồng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động buôn bán dầu cọ, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Không dừng lại ở đó, hội đồng này còn sẽ khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp xanh và bền vững.

Ông Rizal nhận định hội đồng sau khi được thành lập sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện ngành sản xuất dầu cọ vốn đang chịu sức ép từ việc giá cả lao dốc cũng như tình hình sản xuất bấp bênh. Sản lượng dầu cọ của Indonesia và Malaysia chiếm 85% thị phần thế giới, nên giá dầu cọ giảm đã làm tổn hại không nhỏ tới nền kinh tế hai nước. Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ cũng sẽ giúp cải thiện sinh kế của hơn 4 triệu hộ gia đình sản xuất dầu cọ quy mô nhỏ ở Indonesia và khoảng 500.000 hộ tại Malaysia.

Trong khi đó, nhận định về bước tiến này, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Cây trồng và Hàng hóa Malaysia Amar Douglas Unggah Embas cho biết Hội đồng nói trên sẽ không ấn định giá dầu cọ, mà sẽ tìm cách bình ổn giá cả thông qua việc tổ chức và điều hòa dự trữ dầu cọ. Cũng theo quan chức này, hội đồng sẽ đặt ra các quy chuẩn cao hơn về nông nghiệp bền vững, qua đó sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đốt rừng lấy đất nông nghiệp tại Indonesia hàng năm, gây ra tình trạng khói mù dày đặc ảnh hưởng tới cả khu vực.

Theo ông Amar, các nước thành viên dự kiến của hội đồng này bao gồm Indonesia, Malaysia, Brazil, Colombia, Thái Lan, Ghana, Liberia, Nigeria, Papua New Guinea, Philippines và Uganda./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.