IPEF: Mô hình an ninh-kinh tế của Mỹ trong trật tự kinh tế quốc tế mới

Giáo sư Kang Seon-joo, Viện nghiên cứu an ninh ngoại giao Hàn Quốc mới đây có bài “Hàm ý và triển vọng chính trị, kinh tế quốc tế khi tham gia IPEF của Mỹ” đăng trên tạp chí chuyên ngành tháng 7/2022.
IPEF: Mô hình an ninh-kinh tế của Mỹ trong trật tự kinh tế quốc tế mới ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại lễ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giáo sư Kang Seon-joo thuộc Viện nghiên cứu an ninh ngoại giao Hàn Quốc mới đây đã có bài “Hàm ý và triển vọng chính trị, kinh tế quốc tế khi tham gia IPEF của Mỹ” đăng trên tạp chí chuyên ngành số ra tháng 7/2022.

Nội dung như sau:

Mỹ đã chính thức khởi động “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng” (IPEF). IPEF có thể xem như một cơ chế đàm phán kinh tế đa phương ở cấp độ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là kỳ vọng của Mỹ trong xác lập các quy tắc mới với khu vực kinh tế chiếm tới 40% GDP toàn cầu.

IPEF với tư cách là một cơ chế đàm phán kinh tế đa phương

IPEF bao gồm 4 trụ cột: thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng. IPEF đưa ra các modulus về nền kinh tế kết nối, phát triển bền vững định hình kinh tế kỹ thuật số với các công nghệ mới nổi (di chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bản địa hóa dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân và sử dụng có đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI)). IPEF cũng lấy lao động và tiêu chuẩn môi trường làm các giá trị mới.

Mỹ và 12 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tham gia IPEF. Mỹ có kế hoạch đưa ra tuyên bố về Thỏa thuận IPEF tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến tổ chức vào tháng 11/2023.

IPEF không bao gồm các cuộc đàm phán cắt giảm thuế quan, vốn là các biện pháp tiếp cận thị trường của các thành viên. Theo nghĩa đó, IPEF không phải là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đàm phán theo phương thức truyền thống. Trong IPEF, các cuộc đàm phán tập trung vào phát triển các quy tắc kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tập trung vào việc xây dựng các quy tắc cho các hiện tượng hay lĩnh vực kinh tế mới xuất hiện trong thế kỷ XXI như biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng hoặc cải thiện và hài hòa các quy định hiện hành trong lĩnh vực lao động, nông nghiệp.

[Những điều kiện cần để IPEF phát huy hiệu quả về an ninh và kinh tế]

Do các nước tham gia IPEF có thể lựa chọn các trụ cột để tham gia đàm phán nên sự khác biệt giữa các nước tham gia đối với từng trụ cột sẽ khác nhau về tốc độ đàm phán và mức độ thỏa thuận. Hơn nữa, vì IPEF không bao gồm việc cắt giảm thuế quan, nên không chắc các nước tham gia sẽ đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận IPEF. Vấn đề này trở nên rõ ràng hơn khi Mỹ có kế hoạch ký kết thỏa thuận IPEF như một “Thỏa thuận hành pháp duy nhất” (SEA) mà không cần Quốc hội nước này phê chuẩn.

Các tác động và triển vọng chính trị và kinh tế quốc tế của IPEF

Về đàm phán IPEF, việc loại trừ đàm phán thuế quan trong IPEF có nghĩa là không thể tiếp cận thị trường Mỹ, do đó không có động lực để các nước đồng ý về các quy định ở mức cao như Mỹ mong đợi. Việc đàm phán của IPEF về các cải cách quy định như lao động, môi trường và thuế mà không có khả năng tiếp cận thị trường của Mỹ có thể không khuyến khích các nước đang phát triển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham gia IPEF trong tương lai.

Thêm vào đó, nếu Mỹ ký kết thỏa thuận IPEF như một thỏa thuận hành pháp duy nhất, tính liên tục của thỏa thuận IPEF có thể không được đảm bảo, vì vậy các nước tham gia IPEF khác có thể có động lực thấp để đồng ý về IPEF ở cấp độ cao.

IPEF có thể được xem như cơ chế mà Mỹ thúc đẩy để kiềm chế Trung Quốc

Có thể thấy IPEF là một phần trong "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, nước này thiếu phương tiện để tham gia kết nối kinh tế ở cấp độ khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thông qua IPEF, Mỹ tìm cách tăng cường tham gia kết nối kinh tế với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở cấp độ đặt ra các quy tắc và tiêu chuẩn, đồng thời cân bằng kinh tế với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, IPEF có nhiệm vụ hoàn thành “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” thông qua việc cân bằng sự tham gia quân sự và kinh tế của Mỹ vào khu vực này. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa IPEF vào 10 Kế hoạch hành động của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong vòng 24 tháng tới. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu IPEF có thực sự đạt được mục đích của Mỹ đặt ra để ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không.

Nếu Mỹ muốn cân bằng với Trung Quốc về mặt kinh tế trong khu vực Ấn Độ Đương-Thái Bình Dương, cần kéo các nước khu vực này tham gia vào IPEF và chuyển trọng tâm quan hệ kinh tế từ Trung Quốc sang Mỹ. Nếu IPEF không tác động được đến dòng chảy thương mại trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và không đủ để thiết kế lại các mối quan hệ kinh tế với Mỹ, IPEF sẽ không chỉ kém hiệu quả trong việc giúp Mỹ kiểm soát Trung Quốc mà còn thể hiện cả sự kém hiệu quả của Mỹ với các quốc gia khu vực.

IPEF gợi ý hướng đi của trật tự kinh tế quốc tế mà Mỹ muốn dẫn dắt trong thời kỳ hậu đại dịch

Thứ nhất, Mỹ cho rằng thuế quan đã được hạ thấp trên toàn thế giới theo hệ thống của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì vậy các quy tắc thương mại trong thế kỷ XXI nên tập trung vào việc cải thiện các hàng rào phi thuế quan, tức là các quy định, quy tắc. Mỹ dự định thiết lập các quy tắc thương mại như vậy thông qua IPEF.

IPEF: Mô hình an ninh-kinh tế của Mỹ trong trật tự kinh tế quốc tế mới ảnh 2Trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Thứ hai, IPEF cho thấy Mỹ đang chuyển cách tiếp cận toàn cầu hóa sang quản trị. Trong hơn 30 năm qua, thương mại tự do và toàn cầu hóa rất hữu ích cho việc nâng cao hiệu quả kinh tế và tối đa hóa lợi nhuận, nhưng đi kèm với đó là các tác dụng phụ như phi công nghiệp hóa (deindustrialization) và bất bình đẳng thu nhập. Chính quyền Mỹ chuyển sang quản trị toàn cầu hóa, cho rằng toàn cầu hóa theo kiểu tự do không bền vững trong bối cảnh chính trị quốc tế, chính trị trong nước và môi trường kinh tế của thế kỷ XXI.

Thứ ba, IPEF cho thấy Mỹ muốn kết hợp kinh tế và an ninh. Với sự tranh giành ngôi bá chủ Mỹ-Trung Quốc, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, rõ ràng việc phụ thuộc quá nhiều vào các chuỗi cung ứng nước ngoài đe dọa nền kinh tế và an ninh các quốc gia. Chính vì thế, Mỹ cho rằng cần phải đảm bảo ổn định kinh tế ngay cả với cái giá phải trả là hiệu quả bị giảm sút một phần nhất định. Trong IPEF, để phục hồi chuỗi cung ứng, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào quy định nhằm đạt được an ninh kinh tế thông qua kết hợp giữa kinh tế và an ninh và loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng.

Chiến lược đàm phán IPEF của Hàn Quốc

Vì IPEF là cơ chế an ninh kinh tế thiết lập các quy tắc kinh tế quốc tế phù hợp với môi trường chính trị quốc tế đã thay đổi hơn là tiếp cận thị trường, nên chiến lược đàm phán IPEF của Hàn Quốc cũng cần được xem xét điều chỉnh phù hợp. Hàn Quốc có thể xem xét sử dụng IPEF như một nền tảng ngoại giao an ninh kinh tế.

Trong số bốn trụ cột của IPEF, với các thế mạnh của mình, Hàn Quốc nên tập trung sức mạnh thương lượng vào quy định liên quan đến công nghệ hướng tới tương lai: Nền kinh tế kỹ thuật số và các công nghệ mới nổi, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, quá trình trung hòa carbon, đầu tư năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng. Thông qua IPEF, Hàn Quốc có thể hình thành nhiều mạng lưới hợp tác khác nhau bao gồm các nước tiên tiến về công nghệ, các nước sở hữu tài nguyên và các nước đang phát triển để lập cơ sở sản xuất.

IPEF phản ánh quá trình chuyển đổi sang quản trị toàn cầu hóa của Mỹ, vì vậy điều này cần được phản ánh trong chính sách tiếp cận thị trường của Hàn Quốc khi tham gia CPTPP. Và vì Mỹ và các nền kinh tế lớn trên thế giới đang hợp tác theo cách tiếp cận toàn cầu hóa, Hàn Quốc cũng cần cân nhắc tham gia vào hoạt động này.

Cuối cùng, Hàn Quốc cần chuẩn bị cho tác động ngoại giao có thể xảy ra khi nước này tham gia IPEF. Do một số nước có thể phản ứng tiêu cực với việc Hàn Quốc tham gia IPEF, nên Hàn Quốc cần tiến hành các chính sách ngoại giao chủ động và đón đầu.

Mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Hàn Quốc dự định thiết lập có thể được đặt ra trong khu vực để tuân thủ các nguyên tắc quốc tế chung và tăng cường ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên các quy tắc tự do và Hàn Quốc cũng có thể ngăn chặn nguy cơ an ninh quân sự quá mức trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua tạo lập các quy tắc với các quốc gia quan tâm trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.