Iran: 3 nước châu Âu sẽ chi 15 tỷ USD cho cơ chế INSTEX

Ba cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức đã nhất trí tài trợ 15 tỷ USD cho Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) với Iran nhằm giúp Tehran “né” các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Một cơ sở khai thác khí đốt gần cảng Assalouyeh, miền Nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác khí đốt gần cảng Assalouyeh, miền Nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn Tasnim của Iran ngày 15/9 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran Mojtaba Zonnour cho biết các bên châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có kế hoạch chi 15 tỷ USD để tài trợ cho Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) với Tehran.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, ông Zonnour cho biết nước Cộng hòa Hồi giáo có các cuộc trao đổi gần đây với ba cường quốc châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là Anh, Pháp và Đức. Các nước này đã nhất trí tài trợ 15 tỷ USD cho cơ chế INSTEX.

Khoản thanh toán này sẽ được thực hiện làm 3 đợt, mỗi lần giải ngân 5 tỷ USD, đồng thời các vấn đề kinh tế liên quan tới hoạt động bán dầu mỏ của Iran cũng sẽ được giải quyết.

[Iran ký hợp đồng 440 triệu USD phát triển mỏ khí đốt tại vùng Vịnh]

Ông Zonnour khẳng định, thông qua sự kháng cự chủ động của Tehran trước các sức ép của Mỹ, Iran sẽ đạt được những thành quả tích cực và tình hình quốc gia sẽ sớm được cải thiện.
INSTEX là một cơ chế thanh toán được Anh, Pháp và Đức thúc đẩy nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại với Iran và giúp Tehran “né” các biện pháp trừng phạt của Washington.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran và các bên còn lại đã tiến hành các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận.

Tuy nhiên, việc Liên minh châu Âu (EU) chưa thể đảm bảo lợi ích kinh tế cho Iran đã khiến Tehran giảm bớt một số cam kết nhất định trong JCPOA, trong đó có gia tăng nguồn dự trữ urani được làm giàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.