Iran tìm kiếm sự ủng hộ của OPEC trước các lệnh trừng phạt của Mỹ

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ của OPEC căn cứ theo Điều 2 của Quy chế OPEC, vốn nhấn mạnh việc bảo vệ những lợi ích của các nước thành viên một cách riêng lẻ.
Iran tìm kiếm sự ủng hộ của OPEC trước các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh 1(Nguồn: dolat.ir)

Ngày 30/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã đề nghị Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ủng hộ nước này trước những lệnh trừng phạt của Mỹ với Tehran, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ cùng với Đức).

Trong bức thư, Bộ trưởng Zanganeh bày tỏ mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ của OPEC căn cứ theo Điều 2 của Quy chế OPEC, vốn nhấn mạnh việc bảo vệ những lợi ích của các nước thành viên một cách riêng lẻ cũng như theo cơ chế tập thể.

Ông Zanganeh cho biết nếu giải quyết được mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, “Iran có quyền trở lại thị phần dầu mỏ của mình trong thời gian sớm nhất có thể," nối lại mức sản xuất dầu mỏ bình thường và sẽ không chấp nhận bất cứ biện pháp hạn chế nào liên quan đến hoạt động này.

Bức thư này được gửi tới Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei, người đang giữ chức Chủ tịch OPEC năm 2018.

[Mỹ tiếp tục công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran]

Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC sau Saudi Arabia và Iraq. Iran đang tìm cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ khi Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân và thực thể ở nước này. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi hợp tác và làm ăn tại Iran.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, đến ngày 7/8 tới, Chính phủ Mỹ sẽ tái áp đặt các biện pháp cấm vận, bao gồm cả việc cấm Chính phủ Iran mua đồng USD.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước thành viên OPEC này dẫn lý do để "ngăn chặn các nỗ lực của Tehran phát triển vũ khí hạt nhân."

Theo các chuyên gia kinh tế, để hạn chế những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, Iran chắc chắn phải tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế, trong đó có các tổ chức như OPEC, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực cũng như với Nga, Trung Quốc và các đối tác châu Âu mới hy vọng thoát khỏi sự bao vây, phong tỏa về kinh tế của Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.