Iran tuyên bố tăng cường hoạt động kinh tế bất chấp dịch bệnh COVID-19

Tổng thống Hassan Rouhani cho rằng Iran cần phải tiếp tục các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa trong khi vẫn tuân thủ những hưỡng dẫn về y tế trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh.
Iran tuyên bố tăng cường hoạt động kinh tế bất chấp dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/7, Iran tuyên bố không thể đóng cửa nền kinh tế vốn đang phải chịu các biện pháp trừng phạt, ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến theo chiều hướng xấu với số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao.

Phát biểu trong cuộc họp với các đơn vị phòng chống dịch bệnh, Tổng thống Hassan Rouhani cho rằng Iran cần phải tiếp tục các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa trong khi vẫn tuân thủ những hưỡng dẫn về y tế trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh.

Ông Rouhani nhấn mạnh: "Giải pháp đơn giản nhất là đóng cửa tất cả các hoạt động, nhưng ngày hôm sau, mọi người sẽ ra ngoài để phản đối sự hỗn loạn, đói, khó khăn và áp lực."

[Iran: Mỹ đang tìm cách mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran]

Iran đã trải qua một cuộc suy thoái kinh tế lớn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế Iran sẽ giảm 6% trong năm nay.

Trước tình hình khó khăn về kinh tế, Iran quyết tâm phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Phát biểu trên truyền hình ngày 11/7, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không đầu hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào... Chúng tôi phải tăng cường năng lực để khi cần thiết với toàn bộ sức mạnh, chúng tôi có thể tham gia thị trường và phục hồi thị phần của mình."

Do ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt của Mỹ, xuất khẩu dầu của Iran ước tính chỉ từ 100.000 đến 200.000 thùng/ngày so với mức hơn 2,5 triệu thùng/ngày hồi tháng 4/2018.

Sản lượng dầu thô của Iran cũng giảm một nửa, xuống còn khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Kể từ cuối tháng 2, Iran đã phải nỗ lực để kiềm chế dịch bệnh lây lan khi trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất ở khu vực Trung Đông.

Ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết nước này ghi nhận thêm 188 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 12.635 trường hợp.

Số ca tử vong theo ngày tại Iran luôn ở mức trên 100 người kể từ giữa tháng 6, trong đó hôm 9/7 ghi nhận nhiều người chết nhất với 221 ca.

Theo bà Lari, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 2.397 người, nâng tổng số ca bệnh tại Iran lên 255.117 trường hợp.

Iran tuyên bố tăng cường hoạt động kinh tế bất chấp dịch bệnh COVID-19 ảnh 2Người dân tắm nắng trên bãi biển ở Dubai, UAE. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái tử Hamdan Bin Mohammed Al-Maktoum ngày 11/7 cho biết Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) đã thông báo gói hỗ trợ kinh tế mới giúp tiểu vương quốc này ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19.

Trên mạng xã hội Twitter, Thái tử Dubai cho hay đây là gói hỗ trợ kinh tế thứ 3 của Dubai trị giá 1,5 tỷ dirham (408 triệu USD). Tổng cả 3 gói hỗ trợ kinh tế lên đến 6,3 tỷ dirham.

Dubai là tiểu vương quốc lớn thứ 2 và giàu có nhất của UAE./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.