Iraq đạt thoả thuận xuất khẩu, thị trường dầu lại bị nhấn chìm

Giá dầu thế giới lại giảm sâu sau khi Iraq đạt thỏa thuận về xuất khẩu dầu mỏ, làm gia tăng quan ngại về nguồn cung dầu vốn đã dư thừa.
Iraq đạt thoả thuận xuất khẩu, thị trường dầu lại bị nhấn chìm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phiên 2/12, giá dầu thế giới lại giảm sâu sau khi Chính phủ Iraq và chính quyền khu tự trị người Kurd ở miền Bắc đạt được thỏa thuận về xuất khẩu dầu mỏ, làm gia tăng quan ngại về nguồn cung dầu vốn đã dư thừa trên thị trường thế giới.

Trên Sàn giao dịch NYMEX, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2015 giảm 2,12 USD và đóng phiên ở 66,88 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 2 USD xuống còn 70,54 USD/thùng.

Nguyên nhân khiến dầu quay đầu giảm giá sau phiên tăng mạnh hôm 1/12 - tưởng chừng đã làm “an lòng” giới đầu tư một phần nào, được cho là do tuyên bố của Chính phủ Iraq và người Kurd hôm 2/12 về vấn đề ngân sách và xuất khẩu dầu.

Theo thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2015 tới, mỗi ngày sẽ có 250.000 thùng dầu được xuất khẩu từ khu tự trị người Kurd và 300.000 thùng dầu được xuất khẩu từ tỉnh Kirkuk thông qua cảng biển Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Địa Trung Hải.

Thỏa thuận mới này có thể giúp đẩy sản lượng dầu khai thác hàng ngày của Iraq, trong tháng 11 ở mức 2,5 triệu thùng/ngày - vượt ngưỡng 3 triệu thùng/ngày.

Chuyên gia phân tích Michael Lynch thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng Chiến lược nhận định rằng 550.000 thùng dầu được khai thác thêm này không phải là khối lượng lớn, song vào thời điểm thị trường dầu mỏ đang sa sút thì nó lại là nhân tố kéo giá dầu xuống sâu hơn.

Tuần trước giá dầu sụt mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố quyết định sẽ duy trì mức trần sản lượng 30 triệu thùng/ngày bất chấp tình trạng dư cung trên toàn cầu.

Chuyên gia John Kilduff thuộc Again Capital nhấn mạnh rõ ràng sức ép lên thị trường dầu vẫn còn đó và không hề suy giảm, do nguồn cung dầu vốn đã nhiều nay lại càng dư thừa. Thêm vào đó, các số liệu kinh tế không khả quan từ Trung Quốc - thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - cũng góp phần tạo thêm sức ép lên “vàng đen”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.