Iraq sẽ tăng trữ lượng dầu thô lên mức trên 160 tỷ thùng

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel Ghani cho biết Iraq đã hoàn tất 5 vòng cấp phép từ năm 2008 và với 29 dự án mới đưa ra đấu thầu lần này, Iraq sẽ tăng trữ lượng dầu thô lên mức trên 160 tỷ thùng.

Công nhân làm việc tại cơ sở khai thác dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại cơ sở khai thác dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Iraq - một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu tăng trữ lượng dầu thô của nước này lên hơn 160 tỷ thùng.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel Ghani đưa ra thông báo trên ngày 11/5 tại buổi lễ khởi động vòng cấp phép mới cho 29 dự án dầu mỏ và khí đốt.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Iraq có trữ lượng 145 tỷ thùng dầu thô đã được chứng minh, tương đương với 96 năm khai thác ở mức hiện tại. Đây là một trong những trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới.

Ông Abdel Ghani cho biết Iraq đã hoàn tất 5 vòng cấp phép từ năm 2008 và với 29 dự án mới đưa ra đấu thầu lần này, Iraq sẽ tăng trữ lượng dầu thô lên mức trên 160 tỷ thùng.

Ông nhấn mạnh Chính phủ Iraq sẽ hỗ trợ và giúp đỡ các công ty thắng thầu. Các lô dầu mỏ và khí đốt đưa ra đấu thầu lần này nằm ở 12 tỉnh và một lô ngoài khơi.

Iraq hy vọng các lô này cũng sẽ dẫn đến việc tăng sản lượng khí đốt tự nhiên, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Iran, nhà cung cấp quan trọng cho việc sản xuất điện của Iraq.

Sau hàng thập kỷ chiến tranh và các biện pháp trừng phạt dẫn đến việc đầu tư không đủ, Iraq đã phải phụ thuộc vào nước láng giềng phía Đông cho việc nhập khẩu 1/3 nhu cầu khí đốt của mình.

Theo Văn phòng Thủ tướng Iraq, nước này dự kiến sẽ thu được hơn 3.459 triệu feet khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày (tương đương 98 triệu mét khối) và hơn một triệu thùng dầu mỗi ngày từ vòng cấp phép mới.

Doanh thu từ bán dầu thô hiện đóng góp tới 90% nguồn thu ngân sách của Iraq. Iraq là thành viên sáng lập của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trong báo cáo hồi tháng Ba vừa qua, OPEC cho biết sản lượng dầu thô của Iraq đạt hơn 3,9 triệu thùng mỗi ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.