Iraq: Thu nhập từ dầu mỏ giảm mạnh, chưa bằng 1/5 cùng kỳ năm ngoái

Trong tháng 4, Iraq bán được 103,1 triệu thùng dầu với mức giá trung bình 13,80 USD/thùng, thu về 1,4 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với tháng 3 và khoảng 1/4 thu nhập trong tháng 2/2020.
Khai thác dầu mỏ tại miền Nam Iraq. (Nguồn: AFP)
Khai thác dầu mỏ tại miền Nam Iraq. (Nguồn: AFP)

Thu nhập từ dầu mỏ của Iraq trong tháng 4/2020 đã giảm mạnh xuống dưới 1,5 tỷ USD, chưa bằng 1/5 thu nhập cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Dầu mỏ Iraq ngày 1/5 công bố số liệu cho thấy trong tháng 4 Iraq bán được 103,1 triệu thùng dầu với mức giá trung bình 13,80 USD/thùng, thu về 1,4 tỷ USD, chỉ bằng một nửa thu nhập 2,99 tỷ USD trong tháng 3 và khoảng 1/4 thu nhập trong tháng 2.

iraq - nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bị ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô.

Một quan chức Chính phủ Iraq cho biết nước này bán nhiều loại dầu thô khác nhau, trong đó có loại bán với mức giá chưa đến 5 USD/thùng trong tháng 4.

[Giá dầu rơi tự do đẩy các nền kinh tế Trung Đông vào thế bí]

Thu nhập từ dầu thấp như vậy có thể sẽ là thảm họa đối với Iraq, vốn dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ để trang trải hơn 90% chi tiêu của chính phủ.

Năm ngoái, Iraq đã dự thảo ngân sách cho năm 2020 dựa trên mức giá dầu dự kiến 56 USD/thùng, nhưng dự thảo này chưa từng được thông qua, và chính phủ hiện đang gắng sức để ban hành các biện pháp khẩn cấp, trong đó có khả năng phải cắt giảm phúc lợi của nhân viên.

Khu vực công là khu vực có nhiều lao động nhất của Iraq, với ít nhất 4 triệu người đang làm việc và 4 triệu người nữa đang nhận lương hưu và các phúc lợi xã hội.

Trong khi đó, thu nhập từ dầu mỏ trong tháng 4 vừa qua chỉ bằng 1/3 số tiền mà Iraq cần để chi trả tiền lương cho khu vực công và vận hành chính phủ.

Theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác, Iraq sẽ phải cắt giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày.

Sản lượng hiện tại của Iraq vào khoảng 4,5 triệu thùng/ngày, trong đó khoảng 3,5 triệu thùng để xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.