Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông

Israel chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, giày dép, may mặc từ Việt Nam, trong khi Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, linh kiện điện tử, phân bón từ Israel.
Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông ảnh 1Xuất khẩu cá ngừ sang Israel. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trung tuần tháng 8 (ngày 20/8), Bộ Ngoại giao Israel tổ chức buổi đối thoại với Đại sứ 11 nước châu Á-Thái Bình Dương tại Jerusalem, trong đó có Việt Nam.

Trong khuôn khổ này, Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi đã ký kết một loạt thỏa thuận song phương với một số nước. Các thỏa thuận nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người Israel, giảm chi phí sinh hoạt, hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu, mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài và du lịch.

Theo ông Gilad Cohen, Phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Israel, các lợi ích tài chính và chiến lược giữa Israel và nền kinh tế châu Á sẽ đạt được dễ dàng hơn sau thỏa thuận của nước này với Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Trong nhận định trên tờ Thời báo Israel mới đây, nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng châu Á là sức mạnh chính lèo lái tăng trưởng kinh tế thế giới, và giới chuyên gia tin lục địa này sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, cũng giống như năm 2008.

Nguyên nhân là nhờ dự trữ ngoại hối lớn của châu Á, tốc độ tăng trưởng và khả năng quản lý hiệu quả trước đại dịch COVID-19, cũng như các liên kết thương mại và đầu tư công nghiệp với châu Âu, Mỹ.

[Truyền thông Israel ca ngợi Việt Nam là ngôi sao sáng của châu Á]

Hiện nay, trên 50% GNP của thế giới nằm ở châu Á và theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, châu Á sẽ chiếm 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2030.

Trong nghị trình của Israel với các nền kinh tế châu Á có các thỏa thuận thương mại tự do. Đối với nước này, chúng sẽ làm giảm giá thành của các sản phẩm thiết yếu từ phương Đông, như điện tử, máy tính, xe hơi. Kết quả là chúng cũng hỗ trợ giảm chi phí sinh hoạt ở Israel.

Các thỏa thuận thương mại sẽ chấm dứt thuế quan ở các nước nhập khẩu và tăng năng lực cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Israel, tương đồng với các đối thủ ở Mỹ hay châu Âu.

Israel có khả năng sắp đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc và nó có thể là một bước đột phát lớn trong quan hệ của nước này với châu Á.

Hiện tại các bộ Kinh tế và Ngoại giao của nước này cũng đang trong giai đoạn đàm phán cuối với Việt Nam và Trung Quốc.

Hiệp định thương mại tự do Israel-Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ đi tới ký kết trong năm 2021. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2019 đạt 1,1 tỷ USD. Tuy là mức tăng liên tiếp trong 3 năm, số liệu này cho thấy tiềm năng thương mại song phương còn nhiều khả năng khai thác.

Hiện Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông, sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Các mặt hàng của hai nước thường không cạnh tranh mà bổ sung cho thị trường của nhau.

Israel chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, giày dép, may mặc từ Việt Nam, trong khi Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, linh kiện điện tử, phân bón từ Israel.

Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đề xuất với người đồng cấp Narendra Modi một thỏa thuận thương mại đặc biệt cho một loạt các sản phẩm quan trọng. Trong 7 tháng qua, hai nước cũng đã tiến hành đàm phán. Các tiếp xúc ban đầu về khu vực thương mại tự do mang tính chiến lược với Nhật Bản cũng đang được thực hiện ở Israel.

Hiện Israel có 19 cơ quan đại diện ngoại giao tại châu Á. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc tăng từ 50 triệu USD năm 1992 lên 15 tỷ USD hiện nay.

Với Ấn Độ, kim ngạc hiện đạt 5 tỷ USD so với 200 triệu USD của năm 1995. Khoảng 70 công ty Nhật Bản mở văn phòng ở Israel, FDI của Nhật Bản vào Israel tăng 35 lần trong 5 năm qua.

Theo ông Cohen, quan hệ tốt đẹp hơn của Israel và vùng Vịnh có thể là chất xúc tác cho quan hệ thương mại kinh tế với châu Á. Các chuyến bay của hãng Air India từ Delhi đến Israel đã bắt đầu bay qua các nước vùng Vịnh, tiết kiệm nhiều giờ bay và thúc dẩy du lịch, kinh doanh.

Việc bình thường hóa giữa Israel và các nước vùng Vịnh cũng có nghĩa là các công ty năng lượng và đầu tư châu Á sẽ bắt đầu đầu tư vào Israel, và sự “tẩy chay của các nước Arập” sẽ kết thúc. Các đối tác có thể làm ăn ở Israel mà không sợ phá hoại quan hệ của họ với đối tác ở Vịnh Persian.

Các đây 2 năm, ông Cohen từng tuyên bố trên truyền thông rằng Israel đang hướng Đông.

Nước này đang kêu gọi nhiều quốc gia châu Á ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong khi cố gắng thể hiện thế mạnh trong công nghệ, sáng tạo trong nông nghiệp, an ninh mạng, khoa học, dược...

Các bên đang hướng tới tầm nhìn này một cách tích cực sau các diễn biến mới trong khu vực Trung Đông và châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.