Kế hoạch mạo hiểm của Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế

Nếu các nhà máy có thể gia tăng sản xuất một cách nhanh chóng, có thể tin rằng nền kinh tế này sẽ “lội ngược dòng” với mức tăng trưởng theo hình đồ thị phục hồi chữ V.
Kế hoạch mạo hiểm của Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy ở Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây thường thấy lo lắng khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu sụt giảm xuống dưới mức 6% vì họ cho rằng phải trên mức này mới tránh được tình trạng mất việc làm và bất ổn định xã hội.

Nhưng nay, Bắc Kinh thậm chí đang đối mặt với triển vọng tăng trường kinh tế trong quý 1/2020 rơi xuống mức 0% hoặc thậm chí tăng trưởng âm.

Bằng việc quan sát số lượng xe tải đến và đi tại các nơi như Thiên An, các chuyên gia kinh tế đã hiểu được phần nào tình hình sản xuất hiện nay của Trung Quốc.

Hiện trạng ảm đạm của ngành công nghiệp sản xuất

Các nhà máy lớn nhất đóng tại thị trấn Đường Sơn, khu trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nằm ở phía Đông của Bắc Kinh thuộc tỉnh Hà Bắc, là nơi sản xuất khoảng 10% tổng sản lượng thép của Trung Quốc và có vai trò quan trọng đối với các thị trường kim loại toàn cầu.

Tại đây, chu trình thường lệ trước đây của những chiếc xe tải vào Thiên An là chở theo than cốc, quặng thép và khi ra những chiếc xe này chở thép.

Trong một kịch bản tích cực, nếu các nhà máy có thể gia tăng sản xuất một cách nhanh chóng, giữa lúc các biện pháp cực mạnh nhằm kiềm chế bệnh dịch COVID-19 ngày một phát huy hiệu quả, có thể tin rằng tình trạng lao dốc mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sẽ được chặn đứng và trong quý 2/2020, nền kinh tế này sẽ “lội ngược dòng” với mức tăng trưởng theo hình đồ thị phục hồi chữ V.

Tuy nhiên, trong một kịch bản xấu hơn, đó là khi những nỗ lực của chính phủ nhằm tái khởi động các hoạt động sản xuất tại những nơi như Thiên An tạo ra sự gia tăng số ca nhiễm bệnh, điều này sẽ dẫn đến những biện pháp kiềm chế mới và thậm chí khiến nền kinh tế thiệt hại mạnh hơn sau cú sốc vừa qua.

[Sản lượng công nghiệp Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 30 năm]

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh cược vào điều này khi ông thực hiện chuyến công du đầu tiên của mình tới Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên hồi tháng 12/2019.

Hai kịch bản hoàn toàn trái ngược nhau đã lý giải việc tại sao các xe tải lớn chỉ chở hàng vào còn khi ra khỏi Thiên An, các thùng hàng lại trống không.

Do tính chất đặc biệt của thị trấn này đối với ngành công nghiệp thép, thị trấn đã được đặt dưới chế độ cách ly nghiêm ngặt nhất bên ngoài tỉnh Hồ Bắc.

Các siêu thị tại Thiên An đều đóng cửa và cư dân phải báo cáo đều đặn về nhiệt độ cơ thể cũng như các triệu chứng giống cúm của mình. Các công nhân sản xuất thép không thể rời khỏi nhà máy và các thành viên gia đình không được phép tới thăm họ.

Zhang Ying, một thương gia thường xuyên buôn bán với các nhà máy sản xuất đóng ở thị trấn Đường Sơn, cho biết không hề có nhu cầu mua thép nào đặc biệt là từ các vùng phía Bắc Trung Quốc.

Ông Zhang Ying cho biết hiện nay, khả năng sản xuất chỉ đủ để cung cấp một lượng nhỏ thép cho các khu vực phía Nam hoặc một số các nơi đang có các công trình xây dựng được ưu tiên.

Kế hoạch mạo hiểm của Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế ảnh 2Bệnh nhân xếp hàng chờ đăng ký khám bệnh tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, với số ca mắc đang gia tăng rất nhanh ở nhiều nước như Hàn Quốc, Iran , Italy và Mỹ.

Do vậy, kinh tế Trung Quốc chỉ có thể phục hồi được nếu nhiều đối tác thương mại lớn của họ cũng đang phải đối phó dịch bệnh và giảm yêu cầu xuất khẩu của mình.

Đứng từ góc độ chính trị, đối với ông Tập Cận Bình, người lãnh đạo được cho có quyền lực mạnh nhất tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, để từ bỏ những mục tiêu kinh tế do thảm họa COVID-19 là điều không thể.

Ông Tập Cận Bình là người tổng chỉ huy đối phó dịch bệnh này tại Trung Quốc rất sớm kể từ ngày 7/1, hai tuần trước khi tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh lần đầu tiên được Đảng Cộng sản cầm quyền và quan chức Chính phủ Bắc Kinh công khai thừa nhận.

Việc xử lý khủng hoảng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết của ông Tập về tình hình thực tế và đưa ra được lời kêu gọi đúng đắn tại những thời khắc quan trọng.

Một cố vấn cho các quan chức cấp cao tại Bắc Kinh đồng ý cho rằng cuộc khủng hoảng virus này thực sự 70% thuộc về lỗi của con người.

Bert Hofman, Giám đốc của Viện Đông Á thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, đã đưa ra dự đoán là tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 so cùng kỳ năm trước đó của Trung Quốc có thể sẽ dao động ở mức từ -2,0% đến - 6,5%.

Một sự đi xuống theo chiều thẳng đứng như vậy nếu tiếp tục lan sang quý 2/2020 có thể phá hỏng điều mà Chính phủ Trung Quốc lâu nay vẫn coi trọng, đó là tăng trưởng GDP mạnh mẽ và tạo nhiều việc làm tại thành phố để đạt mục tiêu tạo ra ít nhất 10 triệu việc làm hoặc hơn nữa cho mỗi năm.

Ông Hofman, cựu Giám đốc của Ngân hàng Thế Giới (WB) tại Trung Quốc, cho biết các hoạt động dịch vụ và tiêu dùng hiện nay chiếm hơn 50% GDP của nước này. Do vậy, nền kinh tế đã trở nên nhạy cảm hơn với việc giảm cầu trong nước do dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát của chính phủ. Ông cho rằng sẽ rất khó để bù đắp cho những tổn thất trong lĩnh vực dịch vụ hơn là đối với lĩnh vực sản xuất.

Cụ thể, trong thời gian suy giảm ngắn hạn, một số chi tiêu chỉ là bị trì hoãn, chứ không mất đi. Tuy nhiên, sự thất thu trong thời gian Tết Nguyên Đán của Trung Quốc - chỉ 3,9 triệu USD so với con số 1,5 tỷ USD của năm 2019 - sẽ không bao giờ lấy lại được.

Đối sách của Trung Quốc...

Các dấu hiệu hiện nay cho thấy những biện pháp y tế công của Trung Quốc đang bắt đầu kiềm tỏa được dịch bệnh tại ổ dịch, các quan chức Trung Quốc đều bày tỏ lạc quan cho rằng nền kinh tế về căn bản sẽ vẫn mạnh trong dài hạn. Ông Tập Cận Bình đã khẳng định điều này với Tổng thống Chile và Cuba trong các cuộc điện đàm gần đây.

Mặc dù Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Cơ quan Thống kê Quốc gia của Trung Quốc công bố ngày 29/2 là thấp, song chỉ số này được công bố cùng với nhận định virus đang được đặt dưới sự kiểm soát, và tin tưởng thị trường đang dần được khôi phục.

Kế hoạch mạo hiểm của Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế ảnh 3Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các quan chức chính phủ thường trích dẫn các số liệu cho rằng hầu hết các công ty đã quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, các nhà phân tích thận trọng cho rằng các con số này chỉ phản ánh một số các công ty được phép hoạt động trở lại, điều này có nghĩa là có nhiều doanh nghiệp có thể vẫn đang vận hành ở mức dưới bình thường vốn có.

Theo China Merchants Bank, khi dùng hình ảnh vệ tinh quan sát các hoạt động ban đêm ngày 9/3 cho thấy dưới 60% trong tổng số 143 nơi sản xuất công nghiệp lớn trên khắp Trung Quốc đã quay trở lại làm việc.

G7 Network, một doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) thu thập các dữ liệu GPS từ 20% các xe chở hàng của Trung Quốc, cho biết số liệu mà họ thu thập được hàng ngày cho thấy sự phục hồi nhanh chóng hoạt động của các xe tải chở hàng thường được tiến hành bởi các công ty lớn, nhưng hiện chỉ là những giao hàng ký gửi thường được dùng bởi những doanh nghiệp nhỏ hơn.

So với hồi đầu tháng Hai, thời điểm những số liệu vô cùng "ảm đạm," những đợt vận chuyển lớn đến các nhà máy và các cơ sở xây dựng đã tăng trở lại, tương đương 60% của thời kỳ đỉnh điểm là tháng 11 hàng năm. Do đó, Giám đốc thị trường G7 Sun Fangyuan cho biết sức tiêu thụ đã bắt đầu tăng lên.

Tỉnh miền Nam Trung Quốc Quảng Đông tuần trước đã công bố mở rộng kế hoạch phát triển 2020 bao gồm gói 14 tỷ USD cho y tế công, phát triển nông thôn và các dự án xây dựng lại các khu nhà cũ nát.

Trong khi đó, tỉnh miền Đông Zhejiang cũng tuyên bố tăng thêm 100 chương trình mới, bao gồm giúp đỡ viện trợ thảm họa, xây mới đường bộ, và đường xe lửa. Cùng với đó, nhiều tỉnh khác gần đây cũng liên tục đưa ra các gói đầu tư.

Linda Liu, chủ nhà máy sản xuất đồ gia dụng bếp tại thị xã Yiwu gần Thượng Hải, cho biết tình hình sản xuất của nhà máy đang được cải thiện, một phần do chính sách hỗ trợ của chính phủ nhằm chi trả cho người lao động tiền vé tàu, xe để quay trở lại làm việc.

Bà Liu cho biết nhà máy của bà đã mở cửa lại hồi tháng Hai, và thị trường bán buôn quốc tế của nhà máy cũng đã khởi động lại. Hiện nay, một nửa số công nhân và nhân viên bán hàng đã quay lại làm việc.

Mặc dù các nhà cung ứng của nhà máy vẫn chưa quay trở lại như mức sản xuất trước đây, nhưng nhà máy đã có các đơn đặt và nguyên vật liệu còn trong kho từ cuối năm ngoái nên vẫn có việc để làm.

... có thật sự hiệu quả?

Mặc dù vậy, theo nhà phân tích Sebastian Lewis tại S&P Global Platts, trước đây khi cầu tại Trung Quốc giảm, các nhà sản xuất thép đơn giản là sẽ gia tăng xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, điều này giờ đây sẽ không còn là giải pháp nữa khi các thị trường chuyên nhập khẩu thép của Trung Quốc như Hàn Quốc đang phải vật lộn đối phó với đại dịch COVID-19.

Shen Jianguang, kinh tế trưởng tại chi nhánh dịch vụ tài chính của JD.com, tin rằng những hy vọng ban đầu về sự phục hồi mạnh mẽ sau quý I/2020 hiện là điều xa vời khi mà tác động của dịch lên các chuỗi cung ứng và sức tiêu thụ ngày các bộc lộ rõ hơn.

Ông Shen Jianguang tin rằng sang quý 2/2020, hoạt động sản xuất sẽ bắt đầu khôi phục trở lại. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng kinh tế năm trên 6%, cần có một sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, đồng thời khuyến khích người dân đẩy mạnh tiêu dùng mua sắm.

Ông Shen Jianguang dự đoán nhiều hoạt động bán lẻ và tiêu dùng sẽ hầu như không thể phục hồi lại bởi thật khó có thể bù đắp lại cho ngành du lịch cũng như những tổn thất trong kỳ nghỉ lễ Tết cổ truyền của Trung Quốc.

Kế hoạch mạo hiểm của Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế ảnh 4Công nhân kiểm tra linh kiện điện tử tại một nhà máy ở huyện Đào Viên, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) và cơ quan quản lý quy định ngân hàng cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xin hoãn trả nợ và lãi suất mà đến ngày đáo hạn là trong 6 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, những tổ chức cho các doanh nghiệp vay được hoãn trình chỉ định cho vay là nợ khó đòi.

Ngày 8/3, HNA, tập đoàn hàng không và du lịch tư nhân đặt trụ sở tại tỉnh Hải Nam cho biết họ không thể giải quyết được những rủi ro tài chính do bệnh dịch mang lại, và ngay lập tức tập đoàn này nhận được bảo trợ giám sát của nhà nước bằng cách bổ nhiệm hai quan chức của tỉnh giữ các vị trí chủ chốt của tập đoàn.

Trong khi đó, Qin Nan, một công ty có trụ sở đặt tại Bắc Kinh chuyên sản xuất và lắp đặt các hệ thống lọc không khí thì lại thấy không dễ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận được sự giúp đỡ. Khi ông đề nghị ngân hàng hoãn trả nợ cho công ty thì ông đã bị từ chối do ngân hàng có chỉ tiêu, số lượng nhất định các công ty được hưởng quy chế chậm trả nợ.

Ông Qin hiện đang cố gắng để gia hạn khoản vay của công ty ông và chỉ có thể làm được việc này nếu có một công ty tín dụng nào đó đứng ra bảo lãnh cho công ty của ông.

Một điều đáng ngại hơn đó là các tỉnh kẹt tiền trong năm 2018 đã tăng khoảng 40% tổng thu của mình từ việc bán đất. Theo số liệu công bố chính thức, doanh số bán nhà tại 30 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã giảm hơn 80% trong 3 tuần đầu của tháng 2, so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà kinh doanh bất động sản cho dù các công ty đã cố gắng thu hút người mua bằng những gói giảm giá mạnh.

Tình hình bán đất nền cũng diễn ra chậm, chưa bằng 1/4 số đất trung bình bán ra trước đây, theo số liệu của ngân hàng kinh doanh của Trung Quốc Merchants Bank.

Tất cả những sức ép bất ngờ này và cách ứng phó của Bắc Kinh trước những thách thức đang là phép thử cân não đối với Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Với câu hỏi cần bao nhiêu thời gian để kinh tế Trung Quốc tái khởi động, Bilahari Kausikan - một nhà cựu ngoại giao Singapore tại Trung Quốc - cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần có thời gian để tái khởi động và phục hồi trong bối cảnh rủi ro đại dịch toàn cầu do virrus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.