"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là động lực cho các tư lệnh ngành"

"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự đánh giá và sự kỳ vọng nhiều hơn nữa, cao hơn nữa đối với các vị bộ trưởng trong việc khắc phục những hạn chế của lĩnh vực mình quản lý," bà Thúy nói.
"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là động lực cho các tư lệnh ngành" ảnh 1Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Đoàn Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng việc một số tư lệnh ngành có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp hơn các ngành khác thể hiện sự kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, của cử tri vào sự nỗ lực hơn nữa của các bộ trưởng trong việc giải quyết những tồn tại, hạn chế của ngành.

- Thưa bà, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm 44 cá nhân. Theo bà, với các cá nhân có phiếu tín nhiệm thấp, kết quả này sẽ có ý nghĩa thúc đẩy họ như thế nào?

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Có thể nói các đại biểu Quốc hội đã rất khách quan, thẳng thắn trong đánh giá, thể hiện bằng lá phiếu tín nhiệm. Đây là cơ hội để cho mỗi một đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại mình, thông qua việc đánh giá của đại biểu Quốc hội, đại diện tiếng nói của cử tri.

Đây là một động lực để các đồng chí là nhìn lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, nhìn lại lĩnh vực mình phụ trách còn những hạn chế, khó khăn gì để có giải pháp quyết liệt hơn, quyết tâm hơn, hiệu quả hơn để khắc phục và từ đó thay đổi sự tín nhiệm của mình trong đánh giá của đại biểu Quốc hội.

Tôi cho rằng trước khi diễn ra phiên lấy phiếu tín nhiệm, các bộ trưởng ở các lĩnh vực khá nhạy cảm và có nhiều vấn đề nóng đã sớm hình dung ra phần nào kết quả. Điều đó cũng là đương nhiên vì những vấn đề khó khăn phức tạp đó không phải chúng ta có thể giải quyết ngay  trong ngày một ngày hai, và đó lại thường là các vấn đề ảnh hưởng rộng rãi đến đời sống người dân. Vì vậy, việc còn một số thiếu sót trên lĩnh vực ngành mình phụ trách sẽ phần nào ảnh hưởng đến việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là đương nhiên và không phải là vấn đề lớn.

[Lấy phiếu tín nhiệm: Tạo hiệu ứng tích cực, vì đất nước và nhân dân]

Một cá nhân, dù là lĩnh vực nào đi chăng nữa, khi làm thì sẽ có vướng, có sai, có hạn chế. Bởi vậy dù ở lĩnh vực nào thì việc nhận được tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp cũng là đương nhiên.

- Có bốn bộ trưởng có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao là Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công Thương. Theo bà, kết quả này thể hiện điều gì?

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Tôi cho rằng việc các tư lệnh ngành của bốn lĩnh vực này có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn các lĩnh vực khác cho thấy những lĩnh vực này nó còn một số hạn chế nhất định, có sức ảnh hưởng rộng và được cử tri rất quan tâm.

"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là động lực cho các tư lệnh ngành" ảnh 2Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ví dụ như ngành Giáo dục và Đào tạo, hiện các việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cũng đặt ra rất nhiều vấn đề và bộ trưởng là những người đứng mũi chịu sào, người thuyền trưởng cần phải đề ra giải pháp hiệu quả hơn.

Hay với ngành Khoa học Công nghệ là lĩnh vực chúng ta cho rằng quan trọng hàng đầu nhưng lại còn nhiều hạn chế, chưa phát triển theo đúng với sự đầu tư, kỳ vọng của Nhà nước.

Tất nhiên, với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, sự đầu tư của nước ta đối với Khoa học Công nghệ không bằng quốc gia khác trên thế giới. Nhưng dù gì thì trong nguồn ngân sách, chúng ta cũng đã dành nguồn kinh phí nhất định để cho Khoa học Công nghệ nhưng đến nay ứng dụng chưa nhiều. Tỷ lệ đóng góp của Khoa học Công nghệ cho sự phát triển của nền kinh tế cũng chưa thể hiện rõ nét và chưa mạnh mẽ, chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri.

Vì vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự đánh giá và sự kỳ vọng nhiều hơn nữa, cao hơn nữa đối với các vị bộ trưởng trong việc khắc phục những hạn chế của ngành mình, lĩnh vực mình. Tôi cho rằng đó cũng là một bài toán cũng như là một thách thức đối với các bộ trưởng.

- Các đại biểu sẽ giám sát các bộ trưởng như thế nào để đánh giá sự thay đổi, khắc phục các hạnh chế của ngành, thưa bà?

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Các đại biểu sẽ theo dõi kết quả hoạt động của các lĩnh vực này đồng thời sẽ tham gia nhiều hơn nữa trong chất vấn, đặt vấn đề với các vị bộ trưởng để thúc đẩy sự đi lên của từng ngành, từng lĩnh vực, từ đó có sự đánh giá phù hợp hơn đối với những nỗ lực đóng góp của các đồng chí phụ trách ngành.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục