Khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”

Điều đặc biệt của Festival hoa năm nay là sự xuất hiện của tơ lụa nhằm tôn vinh một nghề truyền thống đã bị mai một nhưng nay đang từng bước hồi sinh ở Bảo Lộc - "thủ đô tơ lụa" một thời.
Khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ảnh 1Một tiết mục nghệ thuật trong lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ 7. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Tối 23/12, tại Quảng trường Lâm viên, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII- năm 2017 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự và phát biểu.

Tham dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện Đại sứ quán một số nước; cùng khoảng 15.000 du khách và đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng.

[Hơn 170 gian hàng tham gia phiên chợ rau-hoa tại Festival Hoa Đà Lạt]

Lễ khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” bắt đầu với màn đại hoạt cảnh có chủ đề “Muôn hoa chào đón” hoành tráng, bày tỏ tình cảm của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng chào đón các đại biểu, du khách đến với vùng đất lãng mạn này.

Trong bài phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban chỉ đạo Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII cho biết, cứ hai năm một lần, khi Đà Lạt bước vào cuối Đông - thời điểm tiết trời đẹp nhất trong năm, thành phố lại vui mừng chào đón đông đảo bạn bè quốc tế và du khách gần xa về tham quan, du lịch, trải nghiệm và dự khán các hoạt động trong khuôn khổ Festival hoa.

Đây là sự kiện văn hóa-kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa, là sự nối tiếp khẳng định, tôn vinh người trồng hoa và quảng bá những giá trị về hoa, về các mặt hàng nông sản nổi tiếng và đặc sắc của địa phương như rau, trà, càphê, tơ lụa...

Khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ảnh 2Biểu diễn cồng chiêng của người dân tộc K'Ho (Lâm Đồng) tại lễ khai mạc. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Lễ hội cũng là dịp để tỉnh Lâm Đồng quảng bá thương hiệu du lịch và thu hút đầu tư, đưa thương hiệu nông sản và du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng tự tin vươn ra thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Festival hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, tỉnh Lâm Đồng vui mừng đón nhận Quyết định công nhận thương hiệu nông sản "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".

Đây là thành quả của cả quá trình lao động, nghiên cứu và sáng tạo, luôn khát khao hội nhập của người dân địa phương; là cam kết của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng về chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và du lịch; với mong muốn mang lại niềm tin, sự hài lòng của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hoa, nông sản và du lịch của Lâm Đồng hiện nay và trong thời gian tới.

Khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt đã đạt được trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Qua 6 lần tổ chức đến nay, Festival Hoa Đà Lạt đã được xã hội ghi nhận là một sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch nổi bật; là lễ hội đặc trưng của thành phố cao nguyên thơ mộng, có tác động thiết thực thúc đẩy sự phát triển ngành nghề sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu hoa, nông sản của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung. Chúng ta hân hoan chúc mừng thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng hôm nay được chính thức công nhận thương hiệu 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.'

Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng trong thời gian tới.

Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đoàn kết một lòng, khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt ngày càng phát triển; để cho 'Thành phố Festival Hoa Việt Nam' ngày càng xinh đẹp hơn và là điểm đến lý tưởng của du khách bốn phương trong và ngoài nước lựa chọn cho các chuyến du lịch, các kỳ nghỉ dưỡng, các hoạt động hội họp và công tác…”

Sau phần nghi thức là Chương trình nghệ thuật đặc sắc, hát-múa cổ động với 5 chương, do gần 500 nghệ sỹ-diễn viên biểu diễn.

Khai mạc Festival “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ảnh 4Một tiết mục nghệ thuật trong lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ 7. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Chương 1 với chủ đề về bản sắc dân tộc Lâm Đồng “Tiếng gọi cao nguyên”. Chương 2 với chủ đề về “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Chương 3 với chủ đề về tơ lụa “Dáng hoa lụa là”. Chương 4 có chủ đề về trà và nông sản “Rạng ngời hương sắc cao nguyên”. Chương 5 với chủ đề về du lịch và môi trường “Giữ mãi sắc hoa”.

Với những chi tiết độc đáo như những chiếc xe ngựa, xe mui trần cổ diễu qua; những thiếu nữ gánh hoa đi trên phố phường; những đôi trai gái trong trang phục cổ điển, sánh vai nhau dưới làn sương mù… màn hoạt cảnh trên sân khấu đã tái hiện lại hình ảnh của một Đà Lạt xưa đầy mơ mộng và lãng mạn.

Khác với các kỳ Festival trước, nội dung trà và tơ lụa được đưa vào các chương trình của Festival Hoa Đà Lạt 2017, nhằm tôn vinh một ngành nghề truyền thống đã bị mai một, nay đang hồi sinh trở lại; tôn vinh những người nông dân, công nhân ươm tơ dệt lụa, góp phần đưa thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng lấy lại danh hiệu “Thủ đô tơ tằm” của cả nước như đã từng có trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục