Tối 27/4, tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ khai mạc Festival Huế 2018.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự lễ khai mạc.
Đến dự lễ khai mạc còn có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương và tỉnh Thừa Thiên-Huế; các vị khách quốc tế, các nhà tài trợ, các nghệ sỹ, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo quần chúng nhân dân, khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiết mục ca múa nhạc "Khúc giao hòa ngày hội" do Nhà hát Ca kịch, Nhà hát Cung đình Huế và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế biểu diễn cùng với màn pháo hoa nghệ thuật mở đầu đêm khai mạc Festival Huế 2018.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh nhằm xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Festival Huế 2018 tiếp tục với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản" diễn ra từ ngày 27/4 đến 2/5/2018 trên địa bàn thành phố Huế và các địa phương của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Festival Huế 2018 có sự tham gia của 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ của cả 5 châu lục, hứa hẹn đem đến cho khán giả hàng trăm chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt, văn hóa Huế và tinh hoa văn hóa các nước trên thế giới.
Festival Huế 2018 góp phần xây dựng Thừa Thiên-Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa-du lịch đặc sắc của Việt Nam; xây dựng Huế thành thành phố Festival; đồng thời phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử và vị trí đặc thù của Cố đô Huế trong dòng chảy của văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Bộ Chính trị, Chính phủ đã định hướng và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ 15 đã đề ra là xây dựng Thừa Thiên-Huế theo hướng "đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường...
Tại lễ khai mạc còn có các tiết mục múa, hát: "Nón bài thơ - Tà áo dài xứ Huế," "Nghinh hội đăng đàn," "Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội," Liên khúc Chiếc áo bà ba - Về miền Tây;" "Ân tình xứ Nghệ"...
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2018 cho biết đến thời điểm hiện tại, tổng cộng có 1.296 nghệ sỹ (trong đó có 388 nghệ sỹ quốc tế, 398 nghệ sỹ trong nước, 510 diễn viên không chuyên trong tỉnh) tham gia biểu diễn 38 chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu ở các sân khấu trung tâm thành phố và các huyện, thị trong tỉnh...
Một trong những điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Festival Huế so với các festival nghệ thuật khác là thông qua các kỳ Festival, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng giới thiệu về những tài nguyên di sản, bản sắc vùng miền của mình một cách sống động nhất. Đặc biệt, Festival Huế 2018 là cơ hội để người dân và du khách được tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016).
Huế còn cùng với 9 tỉnh, thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 di sản phi vật thể vừa mới được UNESCO công nhận (vào tháng 12/2017) là nghệ thuật Bài Chòi. Tại Festival Huế 2018 còn có nhiều hoạt động giới thiệu các giá trị văn hóa cung đình và dân gian, văn hóa tâm linh, các ngành nghề truyền thống, văn hóa của vùng đất Cố đô.../.