Ngày 10/10, triển lãm “Chiến tranh Việt Nam: 1945-1975” đã được chính thức khai mạc tại Viện Bảo tàng Lịch sử New York.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ tin tưởng rằng thông qua triển lãm này, người xem sẽ hiểu hơn về giá trị của hòa bình. Theo Đại sứ, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, giúp cho người xem hiểu rõ hơn về lịch sử và qua đó đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.
Đại sứ nhấn mạnh rằng hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam và Mỹ đã trở thành những đối tác toàn diện. Những phát triển tích cực mạnh mẽ trong quan hệ hai nước có được là nhờ ở những nỗ lực không ngừng nhằm khép lại quá khứ, vượt qua bất đồng và hướng tới tương lai.
Với hơn 300 kỷ vật và chứng tích được trưng bày, bằng cả âm thanh và hình ảnh, cuộc triển lãm có tính tương tác kể lại câu chuyện của cuộc chiến tranh bắt nguồn từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi Mỹ hậu thuẫn quân đội Pháp để tìm cách duy trì chế độ cai trị thực dân của nước này ở Đông Dương. Cuộc triển lãm cũng mô tả giai đoạn leo thang chiến tranh, cũng như giai đoạn khép lại cuộc chiến, rút binh sỹ Mỹ về nước trong bối cảnh phong trào phản chiến nổi lên mạnh mẽ trong xã hội Mỹ.
[Trưng bày Bảo vật Quốc gia “Đường Kách mệnh” tại Hà Nội]
Đến với triển lãm, khách tham quan có thể xem một tác phẩm sơn mài tuyên truyền của miền Bắc năm 1962, do một nghệ sỹ còn sống tái tạo độc quyền cho Bảo tàng Lịch sử New York. Trong số các chứng tích được trưng bày còn có một phi đạn Bullpup gắn trên máy bay ném bom F-105, một chiếc xe jeep, và hai dãy màn hình video thuật lại từng giai đoạn của cuộc chiến. Khách tham quan có thể chọn đoạn video kể lại từng giai đoạn lịch sử của cuộc chiến.
Đáng chú ý là trong các kỷ vật được trưng bày còn có giấy gọi nhập ngũ mà thanh niên Mỹ tuổi từ 18 tới 26 thời đó phải luôn mang theo mình, nhiều người đã mang ra đốt tờ giấy này để thể hiện sự chống đối của mình, và thách thức lệnh nhập ngũ. Chính sự chống đối này đã dẫn tới việc bãi bỏ lệnh nhập ngũ vào năm 1973, không lâu sau khi những binh sỹ Mỹ cuối cùng rút ra khỏi Việt Nam.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Bảo tàng Lịch sử New York, bà Louise Mirrer, cho biết đây là lần đầu tiên Viện Bảo tàng tổ chức một cuộc triển lãm riêng về Chiến tranh Việt Nam và các nhà tổ chức đã mất ba năm để chuẩn bị cho hoạt động này.
Theo bà, ngày nay cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là chủ đề gây tranh cãi và chi phối suy nghĩ của người dân Mỹ về chính sách cũng như các chiến dịch quân sự. Bà hy vọng rằng thông qua cuộc triển lãm này, người Mỹ cũng như khách tham quan quốc tế có thể hiểu rõ hơn về một cuộc xung đột có vũ trang dài nhất thế kỷ 20 và sang thế kỷ 21 vẫn còn gây tiếng vang này.
Điểm đặc biệt của triển lãm này là khách tham quan được khuyến khích ghi lại, hoặc ghi âm những sự suy nghĩ của mình về chiến tranh Việt Nam, để lại cho các thế hệ mai sau. Triển lãm "Chiến tranh Việt Nam 1945-1975" được mở cửa từ ngày 4/9/2017 đến hết ngày 22/4/2018./.