Khai thác nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế-xã hội

Cả nước hiện có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, với khoảng 24,5 triệu tín đồ, 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hơn 25.000 cơ sở thờ tự.
Khai thác nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Khai thác các nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là nội dung được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tập trung bàn thảo tại buổi tọa đàm “Tín ngưỡng, tôn giáo với phát triển bền vững và định hướng chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 3/8 tại Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn, ông Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu rõ Văn hóa tôn giáo thẫm đẫm trong tâm thức, điều chỉnh hành vi, lối sống, đạo đức của tín đồ tôn giáo. Tôn giáo đã tác động, ghi dấu ấn văn hóa của mình lên các loại hình văn hóa dân tộc nói chung, nghệ thuật dân tộc nói riêng. Văn hóa tôn giáo hiện diện trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đất nước, góp phần tạo nên sự đồng thuận, hòa hợp xã hội, đoàn kết dân tộc, bình đẳng giới, trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng, trong giải quyết an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường...

Trong thời kỳ hội nhập, giao lưu quốc tế và kinh tế thị trường hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đang và sẽ trở thành một nguồn lực vật chất và tinh thần để phát triển xã hội, đóng góp vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cộng đồng trách nhiệm với toàn thể dân tộc trong phát triển bền vững đất nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, với khoảng 24,5 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo (tương đương từ bậc trung cấp đến trên đại học), hơn 25.000 cơ sở thờ tự.

Đây là lực lượng không thể thiếu để các tôn giáo thực hiện chức năng xã hội của mình. Nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng không chỉ có chức năng lễ nghi, thờ cúng, mà các tôn giáo còn sử dụng vào hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, trong một vài yếu tố của văn hóa tôn giáo còn có những biểu hiện dễ bị hiểu lầm hoặc dễ bị lợi dụng để thực hiện những mục tiêu không trong sáng, không có lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nghị quyết số 25/2003/NQ-TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã nhấn mạnh: “Giải quyết việc tôn giáo thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của Nhà nước theo nguyên tắc khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật. Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo bằng pháp luật; đảm bảo quyền con người về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo tốt đẹp phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, khuyến khích các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, các cá nhân tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu sâu sắc về văn hóa tôn giáo và tác động của nó đến sự phát triển bền vững, cũng như các giải pháp để phát huy vai trò của văn hóa tôn giáo trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Đề án do Ban Kinh tế Trung ương xây dựng đã tiếp cận tín ngưỡng tôn giáo dưới góc độ văn hóa và phát triển, xem tôn giáo là nguồn lực cần được huy động, chuyển hóa sức mạnh tinh thần hướng vào phát triển bền vững xã hội.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học nhấn mạnh phát huy nguồn lực văn hóa tôn giáo vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước đi đôi với việc quản lý giảm thiểu những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, cản trở sự phát triển là việc làm cần thiết. Các đại biểu tập trung làm rõ các nguồn lực tôn giáo; những rào cản ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực đặc thù này tham gia phát triển xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp để thu hút, khai thác tốt nhất nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục