Khai thác thủy sản: Khắc phục "thẻ vàng," gấp rút lấy lại "thẻ xanh"

Việt Nam đang nỗ lực khắc phục các khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) kể từ khi ủy ban này rút "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.
Khai thác thủy sản: Khắc phục "thẻ vàng," gấp rút lấy lại "thẻ xanh" ảnh 1Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam đang nỗ lực khắc phục các khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) kể từ khi ủy ban này rút "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam (23/10/2017).

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, đến thời điểm này, việc khắc phục "thẻ vàng" của EC đã có nhiều kết quả khả quan, tình trạng các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp đã giảm.

Là một trong ba tỉnh trọng điểm về khai thác cá ngừ, có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, Khánh Hòa nhận thức rõ điều này. Do vậy, ngay từ đầu, tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cũng như tuyên truyền cho ngư dân hiểu và thực hiện đánh bắt có trách nhiệm.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết vấn đề khai thác bất hợp pháp xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất ít.

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng đánh bắt tại vùng giáp ranh và cán bộ chi cục đã tuyên truyền cho ngư dân biết phạm vi, tọa độ được đánh bắt, tránh tình trạng các tàu cá vi phạm đánh bắt bất hợp pháp.

"Khi tàu cá về cảng, Chi cục cử cán bộ đến tận cảng để lấy thông tin. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, Chi cục sẽ không cấp phép nữa và không cho hưởng các chính sách của Nhà nước, đặc biệt, thu hồi giấy phép vĩnh viễn nếu tàu cá tái phạm," ông Én nhấn mạnh.

[Phê duyệt giải pháp khắc phục 'thẻ vàng' của EU về khai thác thủy sản]

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ khi có Công điện 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo quyết liệt, cùng sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương nên tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép đã giảm rõ rệt.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang vẫn tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và chính quyền địa phương mở đợt cao điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát, tiến hành xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản, ngăn chặn kịp thời tàu cá và ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang thành lập tổ thông tin, tuyên truyền để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho ngư dân tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực khai thác hải sản, không xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết cùng với Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 45 về những giải pháp cấp bách để sớm thoát khỏi "thẻ vàng" trong vòng 6 tháng (trước 23/4/2018).

Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng Kế hoạch hành động và triển khai quyết liệt nhiều nhóm giải pháp khắc phục thẻ vàng.

Đối với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, trên cơ sở Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được ban hành đã tiếp thu tối đa các khuyến nghị của EC về khai thác bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU).

Cụ thể, quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất gấp 7 lần giá trị thủy sản khai thác bất hợp pháp (cá nhân có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng); quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật cũng được xây dựng theo hướng lồng ghép các quy định theo thông lệ quốc tế như Bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO); kế hoạch hành động quốc tế chống khai thác bất hợp pháp của FAO; Hiệp định quốc gia có cảng của FAO; Hiệp định đàn cá di cư của FAO; biện pháp của các quốc gia ven biển, biện pháp của quốc gia treo cờ nhằm đảm bảo văn bản dưới Luật có hiệu lực thi hành cùng thời điểm Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho ngư dân, chủ tàu, các doanh nghiệp cũng như hệ thống quản lý nhà nước về khai thác thủy sản để các đối tượng trên nâng cao năng lực nhận thức nguy cơ của thẻ vàng ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm hải sản Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung vào các hành động thực thi trên thực tế. Hoạt động của ngư dân, chủ tàu khai thác phải đảm bảo các yêu cầu như ghi nhật ký, lắp thiết bị giảm sát hành trình, nộp báo cáo cho cơ quan quản lý cảng cá và xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để chống đánh bắt bất hợp pháp và chứng nhận các lô hàng xuất khẩu theo yêu cầu của EU và các thị trường khác.

Bên cạnh đó, tổ chức thanh, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm khai thác tại cảng và thực hiện nghiêm xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản theo quy định; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát về khai thác hải sản trên vùng biển được phân công quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; đảm bảo tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản không được ra khơi, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra tại cảng biển trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác khác.

"Đặc biệt, bắt buộc chủ tàu từ 15m trở lên đánh bắt xa bờ, đặc biệt đối với các tàu trên 24m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và yêu cầu mở máy 24/24 giờ để giám sát hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển," Thứ trưởng cho biết.

Khai thác thủy sản: Khắc phục "thẻ vàng," gấp rút lấy lại "thẻ xanh" ảnh 2(Nguồn: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho rằng một giải pháp quan trọng khác là tập trung mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; trong đó có việc đàm phán cấp cao với EC và cùng EC rà soát lại 9 nhóm khuyến nghị của EC để hoàn thiện, học tập kinh nghiệm của các quốc gia về chống khai thác IUU....

Việc đàm phán và hợp tác với các nước về nghề cá và kiểm soát hành vi khai thác bất hợp pháp: Papua New Guinea, Brunei, New Cadonia... đồng thời tăng cường tham gia các diễn đàn quốc tế đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chia sẻ: "Vừa qua lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương để chia sẻ thông tin, trao đổi hợp tác để tạo sự đồng thuận của các nước này. Chúng ta cũng đẩy mạnh tham gia các diễn đàn quốc tế để nói rõ quan điểm của Chính phủ không dung túng cho các hành động đánh bắt bất hợp pháp"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.