Nhận lời mời của Ban tổ chức Liên hoan Sân khấu quốc tế Chekhov lần thứ 16, từ ngày 2/6-18/6, đoàn nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long gồm 18 thành viên, dẫn đầu là Giám đốc Nhà hát, Nghệ sỹ Ưu tú Trần Thanh Hiền, đã công diễn các tiết mục ca nhạc dân tộc và Múa rối nước truyền thống tại thủ đô Moskva và thành phố Voronezh.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, các tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long chủ yếu trích từ các truyền thuyết, câu truyện dân gian trong lịch sử của nhân dân Việt Nam như chú Tễu, Múa rồng, chăn trâu thổi sáo, bơi, đua thuyền, truyền thuyết Lê Lợi trả gươm thần, múa phượng, múa lân, múa bát tiên, múa tứ linh…
Khán giả sành sỏi Nga đã không bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chứng kiến các tiết mục đặc sắc của văn hóa Việt Nam sau quãng thời gian các hoạt động giao lưu bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Buổi biểu diễn nào khán phòng cũng chật kín khán giả. Mỗi tiết mục của đoàn đều nhận được những tràng vỗ tay không ngớt khiến cho các nghệ sỹ, thay vì ra chào khán giả một lần phải tiếp tục xuất hiện để vẫy chào khán giả thêm nhiều lần nữa.
[Tâm huyết gìn giữ nghệ thuật múa rối nước truyền thống]
Tại Voronezh, các tiết mục của nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long để lại ấn tượng sâu đậm, không chỉ trong lòng khán giả Nga, mà cả cộng đồng người Việt Nam ở đây trong đó có những người con thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt Nam ở Voronezh.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Lyudmila, một người dân Moskva, cho biết lần đầu tiên bà được xem một buổi trình diễn ấn tượng như thế này.
Bà bày tỏ: “Quả thực là rất thú vị, màu sắc rất rực rỡ. Tôi rất thích các nghệ sỹ chơi nhạc và trình diễn các con rối dưới nước. Tôi rất thú vị khi nghe các nghệ sỹ biểu diễn và đương nhiên đây là buổi diễn rất tuyệt, rất đặc biệt."
Nghệ sỹ Ưu tú Múa rối nước Bạch Quốc Khanh bộc bạch: “Phản ứng của khán giả rất hào hứng và họ cảm nhận được nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là Múa rối nước, rất kỳ diệu và rất độc đáo."
Theo nghệ sỹ, “điều ấn tượng nhất là khán giả người Nga rất nhiệt tình, yêu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống."
Anh nhớ lại rằng trong những buổi đầu biểu diễn ca nhạc truyền thống của Việt Nam, sân khấu ngoài trời lúc đó có thời điểm lạnh tới 6 độ C, song khán giả vẫn đội mưa, cầm ô đứng xem.
Nghệ sỹ chia sẻ: "Sau buổi biểu diễn họ chia sẻ rất nhiều với các nghệ sỹ. Họ tặng hoa, quà và hỏi rất nhiều về thời tiết, về cuộc sống, về con người Việt Nam."
Về phần mình, Trưởng đoàn, Nghệ sỹ Ưu tú Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, cho biết đây là lần thứ 3 đoàn nghệ sỹ của nhà hát biểu diễn tại Liên bang Nga.
Do số lượng thành viên đoàn có hạn nên các nghệ sỹ “đều phải làm việc 200%” so với ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này được thôi thúc bằng sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả đất nước Nga xinh đẹp.
Đây chính là động lực cổ vũ lớn lao nhất, khích lệ tinh thần để các nghệ sỹ “biểu diễn hết mình phục vụ khán giả nước Nga."/.