Khan hiếm vaccine tiêm chủng mở rộng, TP Hồ Chí Minh vẫn mòn mỏi chờ cung ứng

Theo các chuyên gia, tình trạng khan hiếm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng kéo dài ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể tạo nên “lỗ hổng” miễn dịch trong cộng đồng.

Tiêm vaccine dịch vụ tại Trạm Y tế xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tiêm vaccine dịch vụ tại Trạm Y tế xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tình trạng khan hiếm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng kéo dài đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều phụ huynh phải tìm đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, trong khi đó có người phải chấp nhận chờ đợi vaccine Tiêm chủng mở rộng vì điều kiện kinh tế khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng việc thiếu vaccine kéo dài có thể tạo nên “lỗ hổng” miễn dịch trong cộng đồng.

Nhiều trẻ bỏ lỡ lịch tiêm chủng do hết vaccine kéo dài

Sáng 14/12 vừa qua, theo đúng lịch tiêm chủng của Trạm Y tế xã, chị Danh Hồng Vấn, ngụ ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, đưa con đến để đăng ký tiêm mũi vaccine 5 trong 1 đầu tiên.

Hai tháng nay, cứ đến ngày tiêm chủng, chị Vấn lại đưa con đến để tiêm nhưng đều được báo không có vaccine. Mỗi lần như thế, chị đành ôm con ra về với lời hẹn của nhân viên Trạm Y tế "khi nào có thuốc sẽ gọi điện thoại thông báo."

Chị Trần Ngọc Minh Thư, ngụ ấp 3, xã Phong Phú, cũng phải ra về mà không tiêm được vaccine cho con. Con gái chị đã gần 5 tháng nhưng vẫn chưa được tiêm mũi vaccine 5 trong 1 nào. Tháng trước, do quá lo lắng, chị Thư phải “bấm bụng” cho con tiêm vaccine dịch vụ với giá 1,1 triệu đồng/mũi.

“Do kinh tế khó khăn, hôm nay, tôi quay lại Trạm Y tế với mong muốn được tiêm vaccine 5 trong 1 của Chương trình Tiêm chủng mở rộng nhưng vaccine vẫn chưa có. Nhân viên y tế bảo chúng tôi chờ, nhưng không biết còn phải chờ đến bao giờ,” chị Thư phản ánh.

Thực tế, hết vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng xảy ra tại hầu hết các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Trạm Y tế xã Phong Phú, dù là ngày tiêm chủng cho trẻ nhưng chỉ có 5 liều vaccine Viêm não Nhật Bản, các loại vaccine khác đều không còn.

Trong sáng 14/12 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh phân bổ thêm cho Trạm Y tế xã Phong Phú một số loại vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ như 6 trong 1, phế cầu, viêm não mô cầu… với số lượng vô cùng hạn chế. Chính vì thế, nhiều phụ huynh đưa con đến tiêm chủng vaccine phải ra về trong sự thất vọng.

“Mấy tháng liên tục, chúng tôi đưa con đi tiêm đều được báo không có vaccine và chưa biết bao giờ có lại. Trong khi đó, bây giờ kinh tế khó khăn, nếu tiêm dịch vụ, tốn rất nhiều tiền. Chúng tôi đành phải chờ. Mong là Thành phố sớm có lại vaccine để tiêm miễn phí cho trẻ em,” anh Lê Thanh Liêm, ngụ Ấp 2, xã Phong Phú, mong mỏi.

Dược sỹ Lê Thị Mộng Dung, Phó Trạm trưởng, Trạm Y tế xã Phong Phú, cho biết xã có hơn 12.000 trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, nguồn cung ứng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bị hạn chế. Do đó, nhiều trẻ đến lịch tiêm nhưng vẫn chưa được tiêm.

“Chúng tôi đã kiến nghị với Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cung ứng ngay khi có vaccine để có thể sớm tiêm bù cho trẻ. Trạm đã lập danh sách các trẻ bị lỡ mũi tiêm và sẽ ưu tiên cho những trẻ này khi vaccine về,” dược sỹ Dung cho hay.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đã hết các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib), sởi, bại liệt, sởi-rubella… Ước tính mỗi tháng, Thành phố cần từ 5.000 đến 11.000 liều mỗi loại vaccine trên để tiêm miễn phí cho trẻ.

Lo ngại “lỗ hổng” miễn dịch

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đối với trẻ nhỏ, tiêm chủng là cách tốt nhất giúp tránh được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp cơ thể tạo kháng thể miễn dịch chủ động chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm di chứng nặng nề... Vaccine cho trẻ nhỏ cần được tiêm đúng lịch và đầy đủ để phát huy hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

ttxvn-nguoi-dan-thanh-pho-ho-chi-minh-mon-moi-cho-vaccine-tiem-chung-mo-rong-6128.jpg
Người dân xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, đưa con đến Trạm Y tế xã Phong Phú đăng ký tiêm chủng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nêu lên tác hại của việc gián đoạn tiêm chủng, bác sỹ Khanh cho rằng trẻ nếu không được tiêm đầy đủ và đúng lịch sẽ gây ra “lỗ hổng” miễn dịch lớn. Khi gặp tác nhân gây bệnh, nhóm trẻ chưa có kháng thể bảo vệ sẽ bị tấn công, từ đó lây lan rộng ra cho cộng đồng.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyến cáo do tình hình thực tế, thời gian gần đây, một số trẻ bị trễ một số mũi tiêm. Phụ huynh cần theo dõi lịch cung ứng vaccine của các cơ sở y tế theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng và đưa ngay trẻ đến tiêm khi có vaccine.

Thông tin mới nhất từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sắp tới, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho Thành phố 14.400 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc viện trợ. Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm cho trẻ ngay khi nhận được số vaccine này.

Tuy nhiên, do lượng vaccine hạn chế, các trạm y tế sẽ ưu tiên cho trẻ đủ 2 tháng tuổi trở lên nhưng chưa được tiêm chủng đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib. Các trạm y tế ưu tiên cho trẻ đủ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn nhưng chưa được tiêm mũi 1; tiêm trả mũi 2 và mũi 3 cho những trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, lập danh sách đối tượng và mời tiêm chủng, truyền thông về lợi ích tiêm chủng lịch tiêm, vận động phụ huynh chủ động đưa trẻ ra tiêm. Các đơn vị tổ chức tiêm chủng vaccine phải được tổ chức an toàn, hiệu quả đúng quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ tiếp nhận, xử trí nếu có trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế một số dịch bệnh nguy hiểm cho trẻ nhỏ như bại liệt, sởi, uốn ván… là nhờ có vaccine. Do đó, để bảo vệ thành quả này, cần có chiến lược vaccine lâu dài và bền vững, cung ứng thường xuyên và đầy đủ cho nhu cầu tiêm chủng của trẻ nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.