Xuân Canh Tý đã về, sắc hương hoa đang tràn rực khắp các nẻo đường và đất nước cùng hòa chung không khí nồng ấm của ngày Tết. Năm qua, những thông điệp về “tăng trưởng kinh tế” và “Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư” được truyền thông dày đặc trên các phương tiện báo chí.
Nếu như khoa học, công nghệ được định vị là chìa khóa của tương lai, thì tăng trưởng bền vững sẽ định đoạt vị thế các quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Và, bên cạnh sự phát triển náo nhiệt của các thành phố, vùng nông thôn Việt Nam từ miềm núi tới hải đảo những mạch ngầm cũng đang chảy, ít ồn ào song cũng không kém phần mạnh mẽ.
[Bắc Kạn: Nghệ trồng tự nhiên mang lại giá trị kinh tế cho người dân]
Con số thống kê cho thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển bền vững đang trở thành xu thế tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhờ đó, kết quả tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm 2019 đã đạt trên 41 tỷ USD, tăng 3,2% và thặng dư thương mại toàn ngành đạt 9,9 tỷ USD và cao hơn 1,1 tỷ USD so với năm 2018.
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin giới thiệu một số mô hình sản xuất bền vững tại ba địa phương Bến Tre, Cao Bằng và Bắc Cạn, nhờ có sự chuyển đổi sản xuất, người nông dân đã khỏi đói nghèo, từng bước có thu nhập ổn định và yên tâm sinh kế ngay trên chính mảnh đất của mình.
Bài 1: Sản xuất gắn với chuẩn quốc tế là yêu cầu bắt buộc của thị trường
Nếu như trước đây, ngành nuôi nghêu của tỉnh Bến Tre luôn bấp bênh trước cảnh được mùa rớt giá, bị động trước sự chèn ép của thương lái, thì từ khi ngành được cấp Chứng nhận MSC của Hội đồng Quản lý biển Quốc tế về sản xuất, con nghêu đã chủ động được đầu ra. Thu nhập của các xã viên tham gia nuôi nghêu được duy trì và thu nhập có phần ổn định từ 3 triệu đến 5 triệu/tháng.
Tuy nhiên tất cả mới chỉ là bước đầu, mô hình sản xuất bền vững đòi phải có một quá trình bền bỉ cả về nhận thức, năng lực đồng thời phải có sự phối kết hợp đồng bộ giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý từ cấp địa phương đến trung ương và không thể thiếu các nhà khoa học.
Con nghêu đậm ngọt từ… những “giọt mồ hôi”
Khi nói đến Bến Tre, sản vật “nức lòng” được nhớ ngay đến là cây dừa. Song giờ đây, với chứng chỉ về sinh thái tiêu chuẩn quốc tế, con nghêu của Bến Tre không chỉ mang lại sinh kế ổn định cho người nông dân và còn trở thành sản phẩm được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa thích.
Đến thăm bà con Hợp tác xã Thuỷ sản Thạnh Lợi, Thạnh Phú, Bến Tre thu hoạch nghêu ngoài cồn, cả đoàn phóng viên thức dậy từ ba giờ sáng và dù giữa tiết trời Đông se lạnh của miền Tây cũng không ngăn nổi sự hào hứng về chuyến đi thực địa. Tuy nhiên, mọi người có chút hụt hẫng khi bác Nguyễn Văn Rô, Phó giám đốc phụ trách đội tàu của Hợp tác xã, có 30 năm gắn bó với biển và nghề nuôi nghêu, ngăn cả đoàn lại và thong thả nói, “các cháu đợi một chút, chờ con nước lên mới có thể rong tàu.”
Và, thế là bốn giờ sáng nhóm phóng viên mới xuất phát. Dò dẫm trong luồng ánh sáng yếu ớt phát ra từ chiếc điện thoại, từng người nối nhau men theo con đường nhỏ đầy cỏ sậy, nền đất thì gồ ghề, trơn trượt để đi tới một lạch nước. Từ đây, chúng tôi leo tiếp qua một cây cầu được chắp nối bằng mấy cây gỗ yếu ớt để lên tàu. Oạp! Một cô phóng viên bất ngờ trượt chân và la lớn. Nhưng cũng may, anh bạn lái tàu trẻ đã kịp nắm cánh tay, ì ạch kéo cô gái lên và cuối cùng mấy phóng viên “vụng về” từ thành phố, từng người cũng thành công lên tàu.
Tưởng cứ vậy ra khơi, nhưng tàu mới chạy chừng 15 phút đã dừng, hỏi ra mới biết sóng lớn quá, phải chờ chốc lát, khi sóng ổn hơn mới có thể đi xa được. Vì vậy, cả đoàn khi ra đến bãi cồn cũng mất gần một giờ. Từ xa, bóng những xã viên tấp nập khai thác nghêu dưới vầng sáng lóng lánh ánh bình minh. Khư khư ôm chiếc máy ảnh và giơ lên tới cổ, mấy cô phóng viên nữ bì bõm lội nước gần ngang hông “vui sướng” tiến vào cồn.
Nhưng tới nơi, cảnh tượng không còn… như “mơ!” Giữa cái lạnh của làn nước, những xã viên dầm mình khẩn trương dùng hai chân vỗ nước cho cát tỏa ra, trong khi đôi tay trần nhợt nhạt lại phải nhanh chóng vốc tìm những con nghêu lẩn trốn dưới các lớp cát.
Cái lạnh buốt giá khiến khuôn mặt của những người đàn ông trở nên tím tái dưới làn sương sớm. Những phụ nữ thì bịt kín khẩu trang, chỉ lộ ra đôi mắt đầy chăm chú và cam chịu, không một ánh cười.
Tôi bất giác nhận ra, vị đặm của con nghêu mỗi khi đưa lên miệng ăn “ngọt” là thế, hóa ra không chỉ ngấm bởi muối biển, mà nó còn thẫm đẫm những giọt mồ hôi và cả sự tê tái của những người nông dân nơi đây.
Bù lại, mỗi gùi nghêu nặng 20kg, người nông dân sẽ được trả công 20.000 đồng. Thời gian khai thác trong ngày, từ sớm tinh mơ đến khi nước lên là khoảng 8,9 giờ, mỗi tháng trung bình thu hoạch hai đợt, tổng cộng từ 10 ngày đến 12 ngày. Người lao động nam giới có sức khỏe và gặp thuận lợi có thể làm được từ 20 – 25 gùi/ngày, nhìn chung lao động nữ chỉ khai thách khoảng 10 -15 gùi/ngày, theo đó thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng.
Nhưng ông lão Rô cũng cảnh báo, nuôi nghêu không dễ xơi đâu và mỉm cười cho biết, “con nghêu dễ hờn lắm! Không ưng là nó kéo nhau bỏ đi hết trơn. Vì thế, người nuôi và khai thác phải rất am hiểu đặc tính của nghêu cũng như các sân nuôi chúng.”
Ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái
Bến Tre là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt Chứng nhận MSC, nhờ đó các xã viên đầu tư vốn vào nuôi trồng nghêu ở hợp tác xã Thạnh Lợi mấy vụ liền làm ăn khấm khá, lãi thu về túc tắc từ 30% - 50% thậm chí là 70%/vụ (chu kỳ một vụ là 2 năm).
Tuy nhiên, những ngày đầu tiên của năm 2020, những xã viên có mặt tại trụ sở hợp tác xã Thạnh Lợi để nhận tiền hoa lợi từ vụ sản xuất năm 2017-2019, ai nấy cầm xấp tiền trong tay mà khuôn mặt lại buồn thiu.
Bà Vũ Thị Nhâm, 61 tuổi, xã viên Hợp tác xã cho biết vì nhiều tuổi nên bà Nhâm không tham gia sản xuất nghêu, toàn bộ thu nhập trông chờ vào lãi đầu tư. Nhưng vụ nghêu năm nay, bà Nhâm đã phải “nhận về” khoản lỗ hơn 20%.
“Đây là vụ đầu tiên, các xã viên gặp phải thua lỗ mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, nước biển nóng lên khiến cho nghêu chết hàng loạt, trắng bãi,” bà Nhâm cho biết.
Mặc dù tuân thủ sản xuất bền vững, nhưng trước những tác động biến đổi khí hậu, bà con vùng nuôi nghêu Bến Tre đã không kịp trở tay trong mùa vụ năm nay.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Lợi cho biết khi vụ việc xảy ra, Hợp tác xã nhanh chóng phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tìm ra nguyên nhân do tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển nóng lên và khiến nghêu chết hàng loạt. Để đảm bảo tính bền vững của môi trường nuôi nghêu, Hợp tác xã quyết định tăng cường chi phí và nhân công để vệ sinh bãi nuôi, dọn vỏ và xác nghêu chết nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Vương Hoài Quân, cán bộ Dự án “Phát triển Bền vững và Toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam - SCBV” – Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) chia sẻ thông tin về Chứng nhận MSC:
Đây là việc làm mang tính bắt buộc, ông Vương Hoài Quân, cán bộ Dự án “Phát triển Bền vững và Toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam - SCBV” – Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thông tin thêm, Bến Tre là tỉnh đầu tiên được cấp Chứng nhận MSC, trong đó hai vấn đề môi trường và xã hội là các nguyên tắc quan trọng nhất phải thực hiện.
“Nghêu là loài nuôi thả và ăn thức ăn tự nhiên, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản là kiểm soát các vấn đề về ký sinh trùng, vi sinh và kim loại nặng. Trong trường hợp bị xảy ra dịch bệnh, vùng nuôi nghêu phải kiểm soát khoanh vùng và dập dịch. Ở một số thời điểm, nước biển biến động độ nặm hoặc bãi thả bị phơi mặt do biến đổi khí hậu… sẽ khiến nghêu chết hàng loạt và thời gian qua tình trạng này đã xảy ra ở khá nhiều địa phương trên cả nước, kể cả trong Nam và ngoài Bắc. Theo quy định của MSC, các vùng sản xuất phải có kế hoạch thu gom vỏ và xử lý xác nghêu, đảm bảo môi trường bền vững,” ông Quân nói.
Theo số liệu do ICAFIS cung cấp, diện tích nuôi nghêu và cùng một số loài nhuyễn thể của cả nước là 40.685 ha với sản lượng gần 300.000 tấn/năm. Nghêu của Việt Nam chủ yếu là giống Meretrix lyrata, được khai thác lâu đời ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh ven biển khác; trong đó vùng trọng điểm là ba tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh với diện tích nuôi trồng là 5.283 ha, năm 2019.
Một trong những khó khăn mà cộng đồng nuôi nghêu tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung thường gặp phải là sản xuất bấp bênh, thương lái ép giá, không chủ động đầu ra, thiếu đầu tư cho khoa học kỹ thuật để có thể ứng phó kịp với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các giá trị của việc khai thác, sản xuất bền vững chỉ là điển hình và chưa được nhân rộng.
Trước tình hình này, Công ty Thủy sản Lenger (Hà Lan) tại Việt Nam đã ký kết liên kết chuỗi nghêu theo tiêu chuẩn MSC với vùng nuôi nghêu tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh, dưới sự hỗ trợ và thúc đẩy của dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam (SCBV), do Liên minh châu Âu tài trợ.
Kiên trì chuyển đổi nhận thức
Khẳng định đây là xu hướng tất yếu để đảm bảo tính ổn định đầu ra của con nghêu, bà Trần Thị Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ - Dịch vụ và Phát triển cộng đồng Nông - Ngư nghiệp Việt Nam (FACOD), nhấn mạnh các thị trường như Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Na Uy, Đan Mạch, Mỹ, Nam Phi, Hong Kong… chấp nhận Chứng nhận MSC cho hơn 3 triệu mặt hàng tại 500 tổ chức. Con nghêu của Việt Nam nhận được Chứng nhận này sẽ có cơ hội gia nhập thị trường đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho các tổ chức sản xuất và doanh nghiệp.
Bà Nga cho rằng cần phải kiên trì trong phát triển bền vững: “Mặc dù là các tỉnh trọng điểm về nuôi trồng nghêu, song sản lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long còn mang tính đột biến. Điều này cho thấy tính bền vững chưa cao, độ an toàn duy trì chứng nhận MSC đã được cấp sẽ không cao. Với tình hình trên, ngành sản xuất nghêu sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn, như mất bền vững về nguồn lợi, về môi trường và thị trường. Trong tương lai gần, toàn nghành muốn hướng tới thị trường bền vững thì phải quay ngược lại bài toán phát triển bền vững. Thời gian qua, nhiều vùng sản xuất đã chạy theo nhu cầu phát triển mà bỏ quên những vấn đề này.”
Phân tích giá trị lợi ích của chuỗi nghêu sạch, ông Nguyễn Hồ Nguyên – Tổng giám đốc công ty Lenger tại Việt Nam cho biết để được Chứng nhận MSC, sản phẩm phải đảm bảo tính bền vững từ vùng sản xuất, nhà máy chế biến và các đại lý cung cấp, điều này có nghĩa để nhận chứng nhận thì hàng hóa phải đi theo chuỗi.
“Lâu nay, chúng ta có suy nghĩ về con nghêu là bình thường quá, một món hàng hóa giá trị thấp. Nhưng trên thực tế, nghêu sạch đang bán tại Hà Nội có giá 37.000 đồng/kg, tại thành phố Hồ Chí Minh là 40.000 đồng/kg với kích cỡ 70 -75 con/kg và nghêu có những kích cỡ lớn hơn thì giá trị tăng lên rất nhiều,… Theo đó, các mức giá thu mua nghêu sạch có Chứng nhận sẽ cao hơn so việc bán cho thương lái như hiện nay.
Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã và đặc biệt là từ Chính phủ… để cả ngành nghêu Việt Nam có Chứng chỉ MSC đảm bảo bền vững môi trường, xã hội. Song, đây là một quá trình lâu dài, là quá trình chuyển đổi nhận thức của các bà con - Yêu cầu Chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế cho con nghêu không phải là rào cản mà là đòi hỏi bắt buộc của thị trường,” ông Nguyên nhấn mạnh.
Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gạch xây mới thay thế cho căn nhà bện lá dừa, giữa đồng nước mênh mông, vợ chồng anh Quyết rạng rỡ trong không khí đón Tết. Bên nồi nghêu ngọn “lịm” và những điệu hò, điệu lý miềm Tây như níu chân chúng tôi. Sự ấm áp đoàn viên, đầy tình của gia chủ lan tỏa sang cả những vị khách phương xa./.
Bài 2: [Chùm ảnh] Lấp lánh ánh bình minh trên sân nghêu Thạch Lợi, Bến Tre