Khi EU và Nhật Bản bắt tay nhau, "phớt lờ" Mỹ

Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) của Mỹ mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia Shihoko Goto về tác động của FTA giữa EU và Nhật Bản đối với quan hệ kinh tế EU-Mỹ-Nhật Bản.
Khi EU và Nhật Bản bắt tay nhau, "phớt lờ" Mỹ ảnh 1Cảnh bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) của Mỹ mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia Shihoko Goto về tác động của thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đối với quan hệ kinh tế EU-Mỹ-Nhật Bản, nội dung như sau:

Những suy đoán về sự bùng nổ của cuộc chiến tranh thương mại đang ở mức cao. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không có kế hoạch xuống thang trong việc đánh thuế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo căng thẳng thương mại hiện nay đặt ra những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, EU và Nhật Bản đã đạt được FTA lớn nhất thế giới mang ý nghĩa cả về kinh tế lẫn chính trị. Thỏa thuận này đã đem lại hy vọng cho thị trường mở, duy trì hệ thống thương mại toàn cầu.

Đây cũng là bước thử nghiệm xem liệu một khu vực kinh tế không có Mỹ hoặc Trung Quốc có thể phát triển thịnh vượng hay không.

Con số đằng sau FTA giữa 28 nước EU (bao gồm Anh) với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới Nhật Bản rất ấn tượng, chiếm gần 30% GDP toàn cầu với mục tiêu xóa bỏ phần lớn hàng rào thuế quan giữa hai bên trong thập kỷ tới.

Ôtô Nhật Bản hiện bị đánh thuế 10% ở thị trường EU, trong khi các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Nhật Bản đang chịu các mức thuế như pho mát (40%), rượu (15%), sôcôla (30%).

Khi FTA được triển khai (dự kiến ngay sau khi Anh rút khỏi châu Âu), hai bên sẽ dỡ bỏ các mức thuế này.

Từ những năm 1980, Anh là cửa ngõ cho các doanh nghiệp Nhật Bản, bởi thế Nhật Bản có thể dễ dàng chuyển đổi các giao dịch từ Anh tới các nước EU khác để thực hiện FTA vừa được ký kết.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan cũng gây ra một số khó khăn chính trị đối với cả EU và Nhật Bản, bao gồm việc vận động Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận. Giống như các thỏa thuận thương mại khác, có người thắng và kẻ thua trong thị trường mở.

Ví dụ, ngành sản xuất xe ôtô của EU sẽ gặp khó khăn hơn. EU hiện là nền sản xuất ôtô lớn thứ hai thế giới, xuất xưởng gần 18 triệu chiếc mỗi năm. FTA sẽ buộc Nhật Bản dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan đối với ôtô EU.

Tuy vậy, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Deloitte, sản lượng xuất khẩu của EU sang Nhật Bản sẽ tăng thêm khoảng 7.780 chiếc, trong khi lại nhập khẩu hơn 443.000 chiếc từ Nhật Bản. Điều này rõ ràng có tác động lớn đến ngành sản xuất ôtô châu Âu.

Đối với Nhật Bản, sự tràn ngập các sản phẩm nông nghiệp của EU sẽ đe dọa tới người nông dân nước này, nhất là liên quan mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm làm từ sữa.

Nhật Bản hiện là nhà sản xuất thịt lợn đứng thứ 10 thế giới, nhưng cũng là nước nhập khẩu mặt hàng này lớn thứ 3 thế giới.

[Các "đại gia" ôtô bàn thảo biện pháp đáp trả thuế quan của Mỹ]

Hiện Nhật Bản có dưới 5.000 nông dân sản xuất thịt lợn để cung cấp cho một nửa nhu cầu mặt hàng này trong nước. Trong khi đó, việc tham gia TPP cũng tác động đến người nông dân Nhật Bản do phải mở cửa thị trường nông sản.

Điều này làm giá cả thấp hơn, tốt cho người tiêu dùng nhưng cũng sẽ có những người “thất bại” như vậy.

FTA EU-Nhật Bản không chỉ mang ý nghĩa một thỏa thuận thương mại. Sau khi chịu các đợt đánh thuế từ chính quyền Trump đối với thép và nhôm, EU đã trả đũa bằng cách đánh thuế trị giá 3,3 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa qua, hai bên đồng ý về nguyên tắc giải quyết vấn đề thuế thép, song chưa rõ ràng về hành động cụ thể.

Hai bên dường như đạt được thỏa thuận “đình chiến” trong căng thẳng thương mại, song các biện pháp cụ thể vẫn chưa được tiết lộ.

Đặc biệt, nền công nghiệp ôtô của hai bên vẫn có khả năng cao bị đánh thuế trước thời điểm diễn ra bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11/2018, trong đó mức thuế dự kiến là 25%.

Trong khi đó, Tokyo và Brussels đã đồng ý mở cửa các thị trường ôtô cho nhau, và điều này có thể giúp làm giảm tác động xấu từ chính sách đánh thuế ôtô từ Mỹ.

Quan trọng hơn, EU và Nhật Bản đều nhất trí với quan điểm rằng có thể tìm được biện pháp để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại mà không cần dùng đến công cụ thuế, và chính sách bảo hộ thương mại sẽ chỉ làm cản trở tăng trưởng trong giai đoạn dài.

FTA EU-Nhật Bản cũng cho thấy sự vô nghĩa khi Mỹ rút khỏi các thỏa thuận thương mại tự do và chỉ làm lợi cho Trung Quốc. Thỏa thuận này đã gây ra những quan ngại ngày càng tăng trong dư luận Mỹ về việc Mỹ sẽ bị cô lập và cản trở các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ cũng đang đẩy mạnh các biện pháp chống lại chính sách thương mại theo chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Trump.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đi đầu trong việc chống lại xu hướng bảo hộ thương mại, nhất là việc duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui.

Nhật Bản trở thành nước thứ 2 sau Mexico phê chuẩn Hiệp định CPTPP - phiên bản cập nhật của TPP khi không có Mỹ.

Với việc ký kết FTA với EU, Nhật Bản hiện trở thành lực lượng trung tâm trong “đội quân toàn cầu” chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Tuy vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn cam kết với trật tự quốc tế hiện nay và tiếp tục thúc đẩy Mỹ cũng như các nước khác tham gia CPTPP, trong khi tránh bị dồn vào thế bất lợi trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương khác.

Những vấn đề trong quan hệ thương mại với Mỹ hiện không tạo áp lực thêm đối với cả EU và Nhật Bản.

Chính quyền Trump có thể tuyên bố đánh thuế ôtô trong tương lai gần, trong khi chưa rõ các chính sách đánh thuế này sẽ được duy trì trong bao lâu, nhưng điều rõ ràng là người tiêu dùng Mỹ đang chịu ảnh hưởng.

EU và Nhật Bản cần tập trung vào các biện pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của các biện pháp đánh thuế vào ôtô từ Mỹ trong trung và dài hạn.

Quy mô của nền kinh tế tiếp tục làm cho thị trường Mỹ trở nên hấp dẫn, nhưng những bất ổn trong chính sách thương mại và đánh thuế cao sẽ tạo ra nhiều khó khăn hơn cho các nhà sản xuất muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại nước này.

Nếu sự bất ổn duy trì trong thời gian dài, EU và Nhật Bản sẽ có động lực nhiều hơn trong thúc đẩy quan hệ thương mại lẫn nhau, giúp bù đắp cho những thiệt hại do Mỹ tạo ra cho cả hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.