Khi nào người dân nên test nhanh phát hiện sốt xuất huyết?

Theo các bác sỹ, test nhanh sốt xuất huyết chính xác nhất là thực hiện trong vòng 3 ngày đầu và giảm dần sau đó.
Bệnh nhân có triệu chứng sốt, mẩn đỏ dưới da đến khám tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Vì vậy, việc phát hiện sớm sốt xuất huyết giúp cho bác sỹ theo dõi được quá trình bệnh theo từng ngày và có những biện pháp xử lý thích hợp.

Hiện có hai loại xét nghiệm chẩn đoán sớm sốt xuất huyết, thứ nhất là Real-time PCR, nhưng xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện được ở các bệnh viện, phòng xét nghiệm hiện đại.

Thứ hai là xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 (test nhanh) cho chẩn đoán sớm nhất từ ngày thứ nhất đến khi hết bệnh sốt xuất huyết.

Triệu chứng lâm sàng sốt xuất huyết phải sau ngày thứ 3 mới rõ ràng.

Cụ thể là bệnh nhân bị sốt, nổi những chấm li ti ở những vùng hay cọ xát như nách, da bị xung huyết...

Để kết luận người đó có bị sốt xuất huyết không, cần phải xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1.

Theo các bác sỹ, test nhanh sốt xuất huyết chính xác nhất là trong vòng 3 ngày đầu và giảm dần sau đó.

Do đó, người bệnh khi có dấu hiệu sốt phải đi khám bệnh, có thể xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 cho kết quả nhanh, trong vòng khoảng 30 phút.

Số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy tuần 38/2022 (12-18/9), cả nước ghi nhận 11.472 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 3 ca tử vong, giảm 2,3% so với tuần trước đó.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận 224.771 trường hợp mắc, 92 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng.

Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong ở mức cao.

Khu vực miền Bắc, tại Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.

[Phòng, chống sốt xuất huyết - cần nhiều giải pháp đồng bộ]

Theo các chuyên gia y tế, nếu như năm 2020-2021, tình hình dịch sốt xuất huyết có giảm hơn so với những năm trước đó do thực hiện giãn cách xã hội và các công tác phòng, chống dịch COVID-19, tình hình sốt xuất huyết năm 2022 ghi nhận số ca mắc mới tăng cao so với 2 năm trước. Trong đó, số ca sốt xuất huyết nhập viện và số ca nặng cũng tăng cao hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục Trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7-11.

Do đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục