Kho mở di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm - dấu ấn du lịch hấp dẫn của Bình Thuận

Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm của hậu duệ vua Pô Klong Mơhnai được đưa vào phục vụ du lịch dưới dạng Kho mở hé lộ những thông tin hấp dẫn về một vương quốc Chămpa cách đây hơn 400 năm.

Bộ vương miện của Vua Pô Klong Mơh Nai và búi tóc của Hoàng hậu Po Bia Som bằng chất liệu vàng với đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo, độc đáo đầu thế kỷ XVII. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Bộ vương miện của Vua Pô Klong Mơh Nai và búi tóc của Hoàng hậu Po Bia Som bằng chất liệu vàng với đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo, độc đáo đầu thế kỷ XVII. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Trải qua 4 thế kỷ tồn tại, Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) với những hiện vật gốc độc bản có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam.

Bộ sưu tập này được đưa vào phục vụ du lịch dưới dạng Kho mở đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá di sản văn hóa Chăm của du khách khi tới Bình Thuận.

Bộ sưu tập được giữ gìn 400 năm

Bình Thuận là vùng đất có hơn 40.000 người Chăm sinh sống. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Chăm đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam.

Tại Bắc Bình, từ lâu, cộng đồng Chăm nơi đây đã kế thừa và sản sinh ra hệ thống di sản văn hóa đồ sộ trên nhiều lĩnh vực thuộc đời sống văn hóa xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong số đó phải kể đến những công trình kiến trúc với giá trị về lịch sử, nghệ thuật, tượng thờ bên trong cùng hệ thống lễ nghi tôn giáo đặc sắc.

Đặc biệt là đền thờ vua Pô Klong Mơhnai và Bộ sưu tập di sản hoàng tộc Chăm. Đây là bộ sưu tập duy nhất còn lại khá đầy đủ của một vương quốc Chămpa đã được lưu giữ hơn 400 năm qua bởi gia tộc hậu duệ vua Pô Klong Mơhnai.

Hiện nay, bộ sưu tập đang được gia đình hậu duệ Hoàng tộc Chăm, bà Nguyễn Thị Thềm, lưu giữ.

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm như một cuốn sử hoàng tộc được viết lại đầy đủ qua các sưu tập hiện vật, chính xác, khoa học và khách quan. Nhìn vào đó có thể biết được sinh hoạt cung đình Chăm ngày xưa.

Bộ sưu tập hiện lưu giữ hơn 100 hiện vật nguyên gốc mang đậm giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc Chăm như vương miện vua và hoàng hậu; gốm sứ; các sắc phong một số đời vua triều Nguyễn và một số loại tư liệu về đất đai, địa bạ, văn bản hành chính sao chép bằng chữ Hán Nôm từ những sắc phong các đời vua nhà Nguyễn...

Giá trị nhất là bộ vương miện của vua Pô Klong Mơhnai vào đầu thế kỷ XVII và búi tóc của Hoàng hậu Pô Bia Som bằng chất liệu vàng ròng nguyên chất, đường nét chạm khắc hoa văn rất độc đáo, cùng bộ trang phục của nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử và công chúa với hoa văn cổ tinh xảo.

Theo các tài liệu lịch sử, Pô Klong Mơhnai là một trong những vị vua của vương quốc Chămpa. Vua Pô Klong Mơhnai đã có những cống hiến lớn đối với dân tộc Chăm trên các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Đậm nét là các hệ thống mương đập tưới tiêu và phát triển nghề thủ công như, nghề làm đồ gốm, nghề dệt thổ cẩm, nghề kim hoàn... Cho tới ngày nay, các nghề này vẫn được cộng đồng người Chăm lưu giữ.

Ông Lư Quốc Thuận, con cháu của gia đình Hoàng tộc Chăm, cho biết: "Chúng tôi đã giữ gìn các di vật truyền lại từ đời này sang đời khác một cách trân trọng, cẩn thận như giữ gìn tính mạng của chính mình."

Với giá trị về văn hóa-lịch sử độc đáo, duy nhất còn lưu giữ lại, Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm và đền thờ vua Pô Klong Mơhnai đã được Bộ Văn hóa-Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 43 vào ngày 7/1/1993.

Đưa vào phục vụ du khách dưới dạng Kho mở

Kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Trước năm 1975, Bộ sưu tập được cất giữ trong kho vì những lý do tâm linh, tín ngưỡng, phần quan trọng khác là an ninh, an toàn cho di sản và người bảo vệ di sản.

Sau khi được xếp hạng, nhận thức việc phải bảo vệ lâu dài bộ sưu tập duy nhất của tổ tiên còn lại nên gia đình hậu duệ Hoàng tộc Chăm đã đồng ý từng bước để Bảo tàng tỉnh Bình Thuận thiết kế, trưng bày Bộ sưu tập dưới dạng Kho mở.

Nhiều năm qua, chính quyền địa phương và các ngành chức năng triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bộ sưu tập nói trên. Tuy nhiên, hiệu quả phát huy vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với giá trị của di sản.

Vì vậy, để có hướng tiếp cận mới, thực sự phát huy giá trị, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình Kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương.

Ông Đoàn Văn Thuận, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, việc xây dựng kho mở nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm phục vụ đời sống sinh hoạt của cộng đồng, góp phần phát triển du lịch.

di san hoang toc Cham2.jpg
Những đồ vật trong Bộ sưu tập di sản Hoàng Tộc Chăm. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Để phục vụ du khách, Kho mở đã được Bảo tàng tỉnh trang bị tủ trưng bày, hệ thống camera giám sát, hệ thống báo chống trộm, hệ thống làm lạnh và xử lý mối mọt bảo quản hiện vật, lắp đặt bảng quét mã QR giới thiệu…

Kho mở có hai không gian. Bước vào là căn phòng đặt bàn thờ gia tiên với ảnh chân dung bà Nguyễn Thị Thềm. Cạnh đó là Bằng công nhận Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia cho bộ sưu tập.

Theo lối cầu thang dẫn lên tầng lầu là không gian tôn nghiêm cùng những di vật, hiện vật quý giá của Hoàng tộc Chăm. Tại vị trí trang trọng nhất là tủ kính trưng bày vương miện của vua và búi tóc của hoàng hậu.

Ngoài ra còn có cổ vật gồm kiếm trận, đồ gia dụng, hoàng bào, xiêm y của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, các nhạc khí…

di san hoang toc Cham3.jpg
Du khách chụp ảnh bộ vương miện của Vua Pô Klong Mơh Nai và búi tóc của Hoàng hậu Po Bia Som bằng chất liệu vàng với đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo, độc đáo đầu thế kỷ XVII. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Chị Nguyễn Minh Tâm, thành phố Phan Thiết, cho biết đã nhiều lần được nghe về Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm ở nhà bà Nguyễn Thị Thềm nhưng đây là lần đầu tiên chị và bạn bè đến tham quan, tận mắt được xem hiện vật gốc. Điều này giúp chị có thêm hiểu biết về giá trị văn hóa của cộng đồng người Chăm.

Bắc Bình là địa phương sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa của dân tộc Chăm và là nơi có đông người Chăm sinh sống nhất Bình Thuận. Cùng với đền thờ Pô Anit, Pô Klong Mơhnai, Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm, làng nghề gốm truyền thống Chăm Bình Đức…, Kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm mở ra tiềm năng rất lớn để địa phương khai thác các loại hình du lịch di sản văn hóa.

Ông Ức Viết Vòng, Trưởng Ban quản lý Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, cho biết thời gian tới, các thành viên trong gia đình Hoàng tộc Chăm được tham gia khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng xây dựng mô hình và nghiệp vụ du lịch. Trung tâm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, đồng thời kết nối các đơn vị, công ty du lịch xây dựng tour, tuyến khám phá văn hóa, di sản Chăm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty du lịch Sao Mai, mô hình Kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm là điểm tham quan thú vị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về nền văn hóa lâu đời của đồng bào Chăm ở Bình Thuận của du khách.

Cùng với việc kết hợp một số địa điểm khác, tour du lịch kết nối Phan Thiết-Bàu Trắng-Bắc Bình rất có tiềm năng. Tuy nhiên để thu hút nhiều du khách cần có thêm điểm vui chơi, giải trí, mua sắm…

Trước mắt, Bảo tàng tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ gia đình có giải pháp đảm bảo điều kiện vật chất để bảo tồn, bảo vệ lâu dài, lưu giữ an toàn các sưu tập, hiện vật.

Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận mong muốn có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, chính quyền địa phương, sở, ngành liên quan và các hậu duệ vua Chăm để có giải pháp nhằm từng bước phát huy tại chỗ giá trị văn hóa nghệ thuật Bộ sưu tập và giải pháp kinh tế khi đưa vào kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương, ông Đoàn Văn Thuận cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục