Khởi công Hợp phần B Dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng

Hợp phần B Dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng do liên doanh giữa Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và đối tác MOLNYKIT triển khai thực hiện.
Khởi công Hợp phần B Dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công cảng Container quốc tế Hải Phòng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 12/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) hợp phần B tại cửa Lạch Huyện (sông Chanh), thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Đây là dự án khi hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng sẽ là điểm nhấn đối với quá trình phát triển kinh tế biển của Hải Phòng, góp phần hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và hạ tầng giao thông trong khu vực, thúc đẩy kinh tế xuất nhập khẩu nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng cũng như các tỉnh phía Bắc nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi Hợp phần B của dự án được khởi công theo đúng kế hoạch, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu giữa liên doanh Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, liên danh MOLNYKIT (Nhật Bản) cùng pháp nhân liên doanh là Công ty trách nhiệm hữu hạn cảng container quốc tế Hải Phòng, các bộ, ngành cùng thành phố Hải Phòng đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện khối lượng công việc lớn để có thể triển khai dự án.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hợp phần này do liên doanh giữa Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và đối tác MOLNYKIT triển khai thực hiện, và sự tham gia của các đối tác Nhật Bản sẽ mang đến những thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm và cơ hội để khai thác công trình hiệu quả sau khi dự án hoàn thành. Đây sẽ là cảng hiện đại, để nắm bắt thời cơ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 nước; trong đó có Việt Nam, Nhật Bản là thành viên.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, qua ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã tích cực ủng hộ, tạo mọi điều kiện để liên danh MOLNYKIT thực hiện công việc.

Để Cảng container quốc tế Hải Phòng hoàn thành và đi vào hoạt động đồng bộ với hợp phần A trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn và nhà thầu của Dự án phải đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các cam kết trong hợp đồng và các quy định của pháp luật Việt Nam; tập trung mọi nguồn lực, áp dụng công nghệ tiên tiến để thi công Cảng an toàn, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan lưu ý tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công các bến cảng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án hàng hải tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ Hợp phần A của Dự án để toàn bộ Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đi vào hoạt động năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng khi Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hải Phòng và cả nước.

Tại lễ khởi công, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi khẳng định mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam hiện trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Dự án này là biểu trưng cho mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và là dự án thí điểm thực hiện theo hình thức liên kết công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam.

Hai bến container đầu tiên trong hợp phần B có chiều dài 750m, 40 ha/bãi, tổng mức đầu tư 321 triệu USD, khi hoàn thành, đi vào khai thác, Cảng container quốc tế Hải Phòng sẽ là cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc, tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải 100.000DTW hoạt động phía trên tuyến vận tải biển xa, không chỉ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho khách hàng xuất nhập khẩu phía Bắc mà còn là điểm kết nối quan trọng với cụm cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại Cái Mép-Thị Vải, cho phép đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.