Trong 70 năm qua (30/9/1950-30/9/2020), Ban Kinh tế Trung ương có vai trò, đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội.
Nghiên cứu, tham mưu về đổi mới cơ chế quản lý
Năm 1981, Ban Kinh tế Trung ương có vai trò trong việc tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100-CT/TW (khoán 100)- tiền đề quan trọng dẫn đến Nghị quyết số 10-NQ/TW (khoán 10) được Bộ Chính trị ban hành năm 1988 sau Đại hội Đảng VI - đại hội đổi mới của đất nước.
Trong những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ 20, kinh tế Việt Nam có những giảm sút nghiêm trọng, trước hết do cơ chế, chính sách trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại. Sức sản xuất các ngành kinh tế bị kìm hãm, kém phát triển; phân phối, lưu thông trì trệ.
Báo cáo của Ban Quản lý hợp tác xã Trung ương, Bộ Nông nghiệp ngày 18/12/1980 đã chỉ rõ những nhược điểm của khoán việc: “Hình thức khoán việc… nhìn chung không phù hợp với trình độ tổ chức, quản lý và điều kiện sản xuất của đa số hợp tác xã ở nước ta hiện nay. Hình thức khoán việc còn nhiều nhược điểm không những khó làm nên 70% hợp tác thuộc loại trung bình và yếu kém chưa làm được tốt hoặc không làm được mà còn làm cho người lao động ít quan tâm đến sản phẩm cuối cùng họ làm ra, chỉ lo chạy theo công điểm, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, tình trạng dong công phóng điểm, không tiết kiệm chi phí sản xuất diễn ra khá phổ biến."
Theo đồng chí Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để chỉ ra được hạn chế và thừa nhận bất cập trong cơ chế, chính sách cả một giai đoạn dài không hề đơn giản. Ban Bí thư đã phải tổ chức một hội nghị do ông Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì. Dự thảo Chỉ thị 100 được chắt lọc từ kết quả nghiên cứu thực tiễn ở nhiều nơi, báo cáo kết quả thành công từ các địa phương và lấy ý kiến dân chủ của bà con xã viên.
Việc ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981, về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp là bước đột phá đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý, kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế trong nông nghiệp, chuẩn bị cho các bước tiếp theo để hình thành hệ thống quản lý nông nghiệp mới, làm biến đổi sâu sắc sản xuất nông nghiệp.
Xét về mặt cơ chế quản lý kinh tế, 5 nguyên tắc khoán 100 đã phá vỡ cơ chế tập trung quan liêu trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, ruộng đất; quản lý, điều hành tốt lao động làm cho mọi người gắn bó với kết quả cuối cùng; thực hiện phân phối sản phẩm, phân phối theo lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước-tập thể-người lao động; hợp tác xã thực hiện nguyên tắc “tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ."
Đồng chí Vũ Oanh nhấn mạnh “Chỉ thị 100 ban hành, nông nghiệp như được cởi trói," bước đầu khơi dậy tinh thần làm chủ, phấn khởi của người lao động, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển và các địa phương, các cấp và nhân dân nhiệt liệt tán thành. Năng suất lúa sau khi thực hiện khoán sản phẩm ở các hợp tác xã đều tăng lên, nơi tăng ít khoảng 4-5%, tăng vừa từ 15-20%, cá biệt có nơi tăng 50%.
Để cụ thể hóa và hoàn thiện các hình thức, mô hình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí Vũ Oanh cho biết Ban Bí thư đã ban hành một số các chỉ thị như: Chỉ thị số 19 về hoàn thành điều chỉnh ruộng đất, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ; các Chỉ thị: 29, 35, 50, 56, 65 và 67 về nông, lâm, ngư nghiệp nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng về cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn, về xây dựng cơ cấu kinh tế mới và đổi cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp.
Đồng thời, hệ thống các chỉ thị không chỉ góp phần thúc đẩy và hoàn thiện quản lý trong nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển mà còn tạo tiền đề và tạo đà cho năm 1988 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10. Trong quá trình này, đồng chí Vũ Oanh khẳng định Ban Kinh tế Trung ương đóng vai trò hết sức quan trọng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử.
Nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ từ Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị là quá trình đấu tranh gian nan, quyết liệt giữa tư tưởng bảo thủ trì trệ, giáo điều với tư duy đổi mới sáng tạo. Chỉ thị 100 đã tạo nên thành công cho quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp; là tiền tạo niềm tin, động lực cho tiến trình đổi mới thành công cơ chế quản lý kinh tế đất nước sau này.
Đồng chí Vũ Oanh cho biết Đảng đã vận dụng tư tưởng Bác Hồ, tư duy đổi mới sáng tạo tại mỗi thời điểm lịch sử. Vai trò lãnh đạo của Đảng về đường lối, chiến lược phát triển kinh tế để bảo vệ chế độ, phát triển đất nước không thể thay thế. Ban Kinh tế Trung ương với chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng đã tập hợp, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân hoàn thành tốt trọng trách được giao, góp phần đưa kinh tế nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh trong thời gian quam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Chưa bao giờ nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay."
Mở ra những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Ban Kinh tế Trung ương đã được giao chủ trì xây dựng, tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một số Nghị quyết quan trọng vừa có ý nghĩa chiến lược, định hướng phát triển kinh tế-xã hội đất nước đến năm 2030 tầm nhìn 2045, vừa kịp thời định hướng tháo gỡ những ách tắc để huy động, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng chính trị-kinh tế học Marx-Lenin từ lâu đã nêu rõ mối quan hệ mật thiết, biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Quan hệ sản xuất tiến bộ sẽ thúc đẩy, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, ngược lại nếu quan hệ sản xuất lạc hậu, lỗi thời sẽ kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển. Luận điểm đó còn nguyên giá trị đến ngày nay. Trong mỗi chế độ xã hội, quan hệ sản xuất đều được ưu tiên thể chế hóa đầy đủ, cụ thể.
Hơn nữa, trong thế giới ngày nay, mặc dù chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong những năm gần đây đang nổi lên, phần nào cũng có ảnh hưởng nhưng có thể khẳng định rằng toàn cầu hóa và tự do thương mại, đầu tư vẫn là xu thế bao trùm trên toàn cầu. Do vậy, thế giới ngày càng phẳng hơn. Trong thế giới phẳng đó, sức mạnh, sức cạnh tranh của mỗi quốc gia không chỉ thể hiện ở những giá trị kinh tế mà quốc gia đó đang có mà quan trọng và quyết định là sức cạnh tranh, tính ưu việt của thể chế phát triển kinh tế mà quốc gia đó có được.
Thực tiễn phát triển kinh tế thế giới nói chung, của Việt Nam ta nói riêng đã minh chứng rõ ràng cho luận điểm này. Vì vậy, Đảng ta nhất quán xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên của Đảng.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự phân công và dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tham mưu, xây dựng một số Nghị quyết quan trọng vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài vừa trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc, đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực to lớn thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế- xã hội, cho phát triển lực lượng sản xuất mà điển hình có thể kể đến: Nghị quyết số 11-NQ/TW Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10-NQ/TW Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia.
[Điều chỉnh cơ cấu giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế hiệu suất cao]
Nhấn mạnh những khó khăn, thách thức Ban Kinh tế Trung ương vượt qua trong quá trình biên soạn, tham mưu các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước), Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết Đảng ta đã xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong suốt 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi đây là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đột phá. Đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét hơn, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện hơn. Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xem là hình mẫu của các nước đang phát triển.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, đây là mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới, do vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thế tránh khỏi các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, có lúc khá gay gắt.
Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên chống phá, xuyên tạc, kích động. Có ý kiến hoài nghi nếu vận hành đầy đủ, đồng bộ các qui luật kinh tế thị trường thì khó giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa. Có ý kiến tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế nhà nước, e ngại, dè dặt đối với kinh tế tư nhân. Ngược lại, có ý kiến lại tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân, cho rằng kinh tế tư nhân sẽ quyết định tất cả và do vậy phải là động lực duy nhất trong khi nghi ngờ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhất là trong bối cảnh một số doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả. Có ý kiến quá đề cao vai trò của nhà nước và xem nhẹ vai trò của thị trường và xã hội; ngược lại có ý kiến lại tuyệt đối hóa vai trò của thị trường và xã hội, cho rằng thị trường quyết định tất cả, xem nhẹ vai trò quản lý, điều tiết, dẫn dắt của nhà nước…
Do vậy, để đi đến thống nhất nhận thức là rất khó khăn, phức tạp, phải giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trên cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm xuyên suốt của Đảng nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết thực tiễn đổi mới ở nước ta, bảo đảm vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đó chính là hoàn cảnh, yêu cầu, quan điểm của Đảng để Ban Kinh tế Trung ương xây dựng 3 Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII./.