Khởi động lại dự án mở rộng Công ty gang thép Thái Nguyên

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên được khởi công tháng 9/2007 nhưng bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.
Khởi động lại dự án mở rộng Công ty gang thép Thái Nguyên ảnh 1Sản xuất thép. (Nguồn: TTXVN)

Đối với Dự án mở rộng giai đoạn II của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, mới đây nhất, ngày 17/11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 375/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (ngày 26/10).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên tập trung đám phán dứt điểm với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MMC) để giải quyết triệt để các vướng mắc, xác định tổng mức đầu tư dự án, chủ động tính toán phương án để đảm bảo có lợi nhất cho Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc không đầu tư hạng mục cốc để dùng vốn cho các hạng mục khác của dự án, giao các bộ, ngành chức năng và các ngân hàng xem xét về việc miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị và vật tư phải nhập khẩu từ nước ngoài để phụng vụ thi công dự án, có biện pháp hỗ trợ, khoanh nợ trong thời gian dự án dừng triển khai, cơ cấu lại thời gian cho vay, thời gian trả nợ, lãi suất vay của TISCO để dự án tiếp tục được triển khai...

Theo báo cáo của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty là Dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2007.

Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, dự án bị chậm tiến độ dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, sau đó lại rơi vào trạng thái dừng thi công từ quý 4/2012 do chưa thu xếp được vốn. Giá trị giải ngân của dự án tính đến hết quý 3/2015 là hơn 4.500 tỷ đồng, trong đó thanh toán phần E (thiết kế) và phần P(xây lắp) cho nhà thầu MMC là 110,6 triệu USD.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị liên quan đã và đang hỗ trợ tối đa để Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn về vốn trong việc triển khai dự án. Cụ thể, cuối tháng 1/2015, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên vay bổ sung 1.359 tỷ đồng. Sau đó không lâu, tháng 3/2015, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cũng đồng ý với Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên khoản góp vốn 1.000 tỷ đồng.

Đến tháng đến tháng 6/2015, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam chính thức ký với Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên hợp đồng vay bổ sung 1.100 tỷ đồng.

Với sự hỗ trợ về vốn của các đơn vị liên quan, cộng với các khoản huy động vốn khác, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên đã hoàn tất việc thu xếp vốn cho Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II. Công ty dự kiến sau khi thu xếp đủ nguồn vốn, đến cuối tháng 11/2015 hoàn tất đàm phán với các nhà thầu, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để ký kết phụ lục hợp đồng, làm cơ sở pháp lý để tái khởi động dự án.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên khẳng định ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, công ty tiến hành thanh lý hợp đồng với các nhà thầu xây lắp cũ, sửa chữa, bảo dưỡng vật tư, thiết bị đã bị xuống cấp trong thời gian tạm ngừng dự án, đảm bảo bắt đầu thi công dự án vào năm 2016 và hoàn thành sau 17 tháng.

Dự kiến, khoảng tháng 9/2017, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sản xuất nhưng không tăng tổng mức đầu tư của dự án như đã được phê duyệt...

Theo Hội đồng quản trị Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, đến thời điểm trung tuần tháng 11, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành kế hoạch của năm 2015.

​Sản lượng thép của công ty đạt trên 550.000 tấn thép cán, tiêu thụ trên 500.000 tấn, đạt tổng doanh thu hơn 5.900 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 400 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 5.400 lao động với mức thu nhập trên 5,7 triệu đồng/người/tháng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.