Chia sẻ về tập sách mới “5 trường ca,” nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha bày tỏ: “Tôi xin dành tặng trường ca này cho những người đã ngã xuống, những người đang sống ở mọi miền, mọi phía trên tinh cầu này có kỷ niệm, quan tâm tới chiến tranh Việt Nam. Điều ấy khiến tôi vô cùng thanh thản.”
Nối dài hành trình sáng tạo
“5 trường ca” bao gồm: “Rừng đỏ,” “Hành lang thép,” “Một chiến binh,” “Những người đi qua biển” và “8 giờ.”
Đó là sự tiếp nối ấn tượng mạch sáng tác về đề tài chiến tranh, người lính của nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: “Thời máu xanh” (1999), “Biệt trăm năm” (2004), “Gió Tây Nguyên” (2000)…
Chiến tranh, hình ảnh người lính vẫn luôn thôi thúc người nghệ sỹ tài hoa cầm bút dù ông đã bước sang tuổi 70. Nguyễn Thụy Kha từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông viết bằng những trải nghiệm, suy tư và nỗi ám ảnh của chính mình.
“Rừng đỏ” mở đầu “5 trường ca” là ký ức đau thương, nỗi day dứt khôn nguôi của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về những cánh rừng nhuốm máu đồng đội. Còn với “Hành lang thép,” độc giả sẽ được sống lại khí thế sục sôi của thế hệ thanh xếp bút nghiên, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.”
Nối tiếp mạch cảm xúc đó, “Một chiến binh” thể hiện góc nhìn, cách tiếp cận riêng của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha khi khắc họa chân dung người lính. Từ câu chuyện về một nhân vật có thật (Lê Triệu), tác giả giúp độc giả cảm nhận rõ nét tinh thần quả cảm nơi chiến trường khốc liệt của người lính.
[Nguyễn Thụy Kha: Nhớ những kỷ niệm với Phạm Duy]
Còn “Những người đi qua biển” là câu chuyện về hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa nhân dân hai nước (Việt Nam, Mỹ). Cùng vượt qua những đau thương, mất mát trong quá khứ, “Những người đi qua biển” mang khát vọng hòa bình, hạnh phúc.
“8 giờ” khép lại “5 trường ca” bằng một câu chuyện đầy day dứt. Năm 2017, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha tới Hội An (Quảng Nam) và được nghe câu chuyện về một viên tướng người Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam.
Trong cuộc đối đầu kéo dài suốt tám giờ đồng hồ, một chiến sỹ cách mạng đã kiên cường chống lại đội quân đông đúc của viên tướng Hàn Quốc. Khi người lính ấy ngã xuống, lực lượng phía bên kia tìm thấy trong túi áo của anh bức ảnh chụp một thiếu nữ đẹp, phía sau có dòng chữ: “Dù anh đi đâu, ở đâu, em mãi mãi yêu anh!”
“Suốt nhiều năm sau cuộc chiến, viên tướng ấy sống trong sự hối hận, nỗi ám ảnh và day dứt trước tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của người lính và lòng thủy chung và những giá trị tinh thần đẹp đẽ của những con người ở phía bên kia chiến tuyến,” nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ.
Thơ, họa song song
Trong dịp này, nhạc sỹ-nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kết hợp cùng nhóm họa sỹ G39 Hà Nội tổ chức sự kiện nghệ thuật đặc biệt tại không gian Laca Càphê (số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội) vào sáng 7/4. Đó là cuộc gặp gỡ của thơ ca và hội họa.
Nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha sẽ chia sẻ cùng bạn đọc yêu thơ những hồi ức chiến trường, quá trình ra đời những trường ca cùng những câu chuyện trong đời sống văn nghệ Việt Nam…
Tại đây, các họa sỹ nhóm giới thiệu những tác phẩm hội họa mới với “nàng thơ” là người mẫu Vũ Huyền Trang. Đây là một dự án nghệ thuật khép kín của nhóm G39 Hà Nội (từ chọn người mẫu, mời họa sỹ vẽ ký họa trực tiếp).
Các họa sỹ tham gia triển lãm lần này gồm: Bình Nhi, Phương Bình, Phan Minh Châu, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Nguyễn Minh, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Hữu Ước.
“Thông qua hội họa, chúng tôi muốn tôn vinh vẻ đẹp của những người mẫu nói riêng và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung,” đại diện nhóm họa sỹ G39 chia sẻ./.