Không tụ tập quá 10 người: Hiểu đúng để tuân thủ quy định phòng dịch

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các cửa hàng ăn uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m. Ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học không "tụ tập" quá 10 người.
Chỉ thị 12 yêu cầu các cửa hàng ăn uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m và đảm bảo các quy định về phòng dịch. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Ngày 11/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội.

Tại Chỉ thị này, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp y tế để phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, lãnh đạo thành phố yêu cầu không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và các địa điểm phục vụ công tác bầu cử; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch.

Cùng đó, các cửa hàng ăn, uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh các bệnh viện chỉ được bán hàng mang về.

Không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi bệnh viện...

Làm rõ hơn về quy định này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội, cho biết Chỉ thị 12 của thành phố Hà Nội đã quy định rất rõ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

[Hà Nội: Không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi bệnh viện, điểm bầu cử]

Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết.

Đối với cuộc họp thật sự cần thiết (tại nơi làm việc và công sở), chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường và phòng họp (tức là 1 nửa sức chứa) đồng thởi đảm bảo việc giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m, thực hiện việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và khử khuẩn; khuyến khích việc họp trực tuyến để đảm bảo công tác phòng dịch.

Trong khi đó, đối với một số dịch vụ, kinh doanh không thiết yếu, hiện thành phố đã tạm dừng hoạt động các cơ sở này, như quán bia, bia hơi, trà đá vỉa hè, quán karaoke, phòng tập gym, các chợ cóc, chợ tạm...

Tại Điều 3 của Chỉ thị 12 cũng nêu rõ: “Các cửa hàng ăn uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ quanh các bệnh viện chỉ được bán hàng mang về. Tạm dừng hoạt động các dịch vụ kinh doanh ăn uống, cửa hàng tạp hóa xung quanh các bệnh viện khi xuất hiện các ổ dịch…”

“Việc quy định 'không tụ tập quá 10 người' là ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và các địa điểm phục vụ công tác bầu cử,” đại diện Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm

Cùng với việc tạm dừng hoạt động các chợ cóc, chợ tạm để phòng chống dịch theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong ngày 14/5, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương và thành phố về công tác bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 tại chợ do đơn vị quản lý.

Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, trước hết là việc đeo khẩu trang bắt buộc, sát khuẩn tay tại chợ, các đơn vị quản lý chợ phải bố trí bộ phận đón tiếp, đo thân nhiệt và hướng dẫn khách hàng ra vào chợ; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn định kỳ tại chợ; tăng cường bảo vệ, có nhân viên kiểm soát các cửa ra vào chợ...

Các hộ kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ trong chợ phải thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đáng chú ý, Chỉ thị 12 của thành phố cũng giao người đứng đầu các sở, ngành, Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn và lĩnh vực phụ trách.

Đơn cử trong sáng nay (15/5), sau khi có phản ánh của báo chí về một quán ăn trên đường Ngọc Khánh bán hàng không tuân thủ quy định phóng chống dịch, chỉ sau ít phút, phường Giảng Võ đã cử cán bộ tới lập biên bản, yêu cầu đóng cửa và chủ cửa hàng này cam kết chỉ bán hàng mang về.

“Người đứng đầu các cấp, các đơn vị và cơ sở chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để xảy ra sai phạm,” Chỉ thị 12 của thành phố nêu rõ.

Tính đến 18 giờ ngày 14/5, Việt Nam có tổng cộng 2.377 ca ghi nhận trong nước và 1.459 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 807 ca.

Vì vậy, việc thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục