Liên quan đến hoạt động quản lý xuất bản trong thời gian tới, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, từ ngày 1/1/2016, giám đốc, tổng biên tập và biên tập viên các nhà xuất bản bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề biên tập.
Theo đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ không nhận nộp lưu chiểu những cuốn sách của các nhà xuất bản mà lãnh đạo và biên tập viên không có chứng chỉ hành nghề biên tập đứng tên.
Không chỉ có vậy, ông Chu Văn Hòa cũng cho biết, từ ngày 1/1/2016, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ công khai trên mạng Internet những thông tin cụ thể về các xuất bản phẩm (như tên tác giả, nhà xuất bản, biên tập viên, thời gian phát hành, dịch giả - đối với sách dịch...) để độc giả theo dõi, cập nhật.
“Tất cả những cuốn sách không có những thông tin như trên được đăng tải trên trang mạng của Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ bị coi là sách bất hợp pháp,” Cục trưởng Chu Văn Hòa nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, việc này nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất bản, kiểm soát và nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 17, Chương 2 của Luật Xuất bản (2012), tổng biên tập các nhà xuất bản phải “có chứng chỉ hành nghề biên tập.”
Bên cạnh đó, Điểm c, d, Khoản 1, Điều 19, Chương 2 của Luật Xuất bản (2012) cũng quy định rõ tiêu chuẩn của biên tập viên: “Có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.”
Trong thời gian từ 2014-2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phối hợp với Trường Đào tạo-Bồi dưỡng Cán bộ Quản lý Thông tin và Truyền thông tổ chức 11 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 1.144 lãnh đạo, trưởng bộ phận biên tập và biên tập viên các nhà xuất bản.
Ngày 9/12 vừa qua, hơn 800 biên tập viên đầu tiên của các nhà xuất bản trong cả nước được Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp chứng chỉ hành nghề biên tập.
“Tuy nhiên, tính đến nay, vẫn còn khoảng 1/3 số lãnh đạo các nhà xuất bản chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập,” ông Chu Văn Hòa cho biết./.