Khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phòng chống biến đổi khí hậu

Các chuyên gia Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhận nâng cao năng lực kỹ thuật tham gia hệ thống báo cáo phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.
Phát triển năng lượng tái tạo theo hướng bền vững. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Phát triển năng lượng tái tạo theo hướng bền vững. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Coi trọng yếu tố bền vững và phòng chống biến đổi khí hậu là các phương tiện nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới.”

Đây là thông điệp tại hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của Doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng không,” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục Biến đổi Khí Hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 30/6.

Theo đại diện của JICA, tiếp nối xu hướng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ toàn cầu trong việc triển khai các “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” và chủ trương chính sách trong nước hướng tới mục tiêu dài hạn trung hòa carbon vào năm 2050, hội thảo được tổ chức nhằm quy tụ các nhà hoạch định chính sách chủ chốt từ các bộ ngành liên quan, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các giám đốc, quản lý và đại diện lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước có trụ sở tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, bao gồm NDC đến năm 2030 và định hướng dài hạn về trung hòa carbon vào năm 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại COP26 Glasgow.

Theo đó, đại diện của Dự án hợp tác kỹ thuật - JICA về “Hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC)” đã chia sẻ thông tin về các cơ hội đào tạo sắp tới nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật cho các doanh nghiệp tham gia hệ thống báo cáo phát thải khí nhà kính cấp cơ sở. Cụ thể, hệ thống này đang được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ xây dựng.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra tầm quan trọng của hỗ trợ từ JICA thông qua dự án SPI-NDC và nhấn mạnh hội thảo là minh chứng tiêu biểu cho quan hệ hợp tác Chính phủ, doanh nghiệp, các bộ và VCCI thông qua dự án SPI-NDC của JICA trong việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện NDC cũng như các nhiệm vụ khác liên quan.

Về phía VCCI, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì Sự Phát triển Bền vững, cho biết trong hai mươi năm qua, VCCI đã nỗ lực thúc đẩy kinh doanh bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thúc đẩy kinh doanh xanh thông qua các chiến dịch và sáng kiến môi trường đa dạng, bao gồm quan hệ đối tác quan trọng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành khác và JICA thông qua dự án SPI-NDC.

Ông Huy cũng khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc giúp Việt Nam đạt các mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Xuyên suốt cuộc đối thoại, đại diện doanh nghiệp cho biết đã chủ động coi tính bền vững chủ động và hành động phòng chống biến đổi khí hậu là các phương tiện nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các hành động chủ động được thực hiện dựa trên nhiều cơ sở, hai trong số đó là văn hóa doanh nghiệp phù hợp với phát triển bền vững, và nhu cầu thực hiện theo yêu cầu của chương trình sáng kiến về phát triển bền vững toàn cầu trong ngành mà doanh nghiệp là thành viên.

Tại hội thảo, ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, khẳng định thông qua dự án SPI-NDC, JICA sẽ tiếp tục tạo cơ hội nâng cao năng lực và đối thoại giữa các bên liên quan chủ chốt để củng cố mối quan hệ hợp tác này.

“Nhận thức được nhu cầu tận dụng nguồn tài chính tư nhân cho các hành động về khí hậu ở Việt Nam, JICA đã giới thiệu nhiều hình thức hợp tác để hỗ trợ các loại hình và quy mô hoạt động khác nhau của khu vực tư nhân trong việc giảm phát thải, một ví dụ điển hình là Chương trình Tài chính Đầu tư Khu vực Tư nhân (PSIF), cụ thể tại Việt Nam JICA thực hiện Dự án Điện gió Quảng Trị 144 MW theo hình thức này,” ông Murooka nói.

Ngoài ra, ông Murooka cho biết JICA còn có Chương trình hỗ trợ đề xuất từ các Doanh nghiệp Nhật Bản ví dụ như Dự án với Công ty Osumi hợp tác với Sở Công Thương Thành phố Đà Nẵng nhằm phân tích và phổ biến công nghệ tiết kiệm năng lượng bằng phương pháp đo lường năng lượng đơn giản của Nhật Bản tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.