Khuôn bánh Trung Thu 25 năm Việt-Mỹ và nghệ nhân phố cổ cuối cùng

Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đã tìm đến nghệ nhân Phạm Văn Quang để đặt chiếc khuôn bánh đặc biệt nhân dịp Rằm tháng Tám này.
Ông Phạm Văn Quang và đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink (Ảnh: Chụp màn hình)
Ông Phạm Văn Quang và đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink (Ảnh: Chụp màn hình)

Ngày 30/9, Fanpage của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã đăng tải video đại sứ Daniel Kritenbrink dạo quanh phố phường Hà Nội, đi qua con phố Hàng Mã và đến với cửa hàng khuôn của nghệ nhân làm khuôn gỗ bánh Trung Thu còn lại duy nhất ở khu vực trung tâm Thủ đô.

Trong video, ông Kritenbrink cho biết ông sẽ tự tay làm món bánh này, nhưng thay đổi nhân truyền thống của Việt Nam và chuyển thành những hương vị quen thuộc của quê hương ông: Việt quất và phômai.

Ông đã tìm đến số 59 Hàng Quạt, nơi đây là cửa hàng của ông Phạm Văn Quang. Ông Quang đã có hơn 40 năm khắc gỗ trong không gian nhỏ bé này. Đón tiếp đại sứ Daniel Kritenbrink, ông không chỉ khắc chiếc khuôn có hình logo kỷ niệm 25 năm quan hệ hai nước mà còn cả hai chiếc khuôn bánh có hình trâu và chuột - hai con giáp theo năm sinh của ông Daniel và vợ.

Khuôn bánh Trung Thu 25 năm Việt-Mỹ và nghệ nhân phố cổ cuối cùng ảnh 1Hình ảnh chiếc khuôn kỷ niệm 25 năm ông Quang lưu trữ trên điện thoại của mình. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ông Phạm Văn Quang cho biết ông chỉ đang giữ hộ vì vị đại sứ chưa qua lấy, chứ không làm thêm một phiên bản khác để tự giữ làm kỷ niệm. Đối với ông, sự độc bản là một trong những điều quan trọng nhất làm nên giá trị của những chiếc khuôn bằng gỗ. Cũng chính vì vậy, ông không bao giờ lo ngại về sự thay thế hay “lên ngôi” của những chiếc khuôn bánh Trung Thu bằng nhựa.

“Tôi chỉ có độc một nghề này thôi. Môi trường của tôi là tiếp xúc với những người làm bánh, nghe chia sẻ mà tôi hiểu được một phần về việc làm bánh. Như vậy mình phải đáp ứng ngay người ta. Còn những người kia [các nhà sản xuất khuôn nhựa - PV] người ta làm khuôn chỉ mất dăm bảy ngày, khi làm xong cái khuôn thì là chấm hết. Tiếp xúc của người ta với cái lò làm bánh là không nhiều.”

Khi được hỏi về tính đặc sắc và giá trị tinh thần trong những sản phẩm khuôn bánh gỗ của mình, ông kể một câu chuyện về chiếc khuôn bánh ông làm cho một trường dạy nghề làm bánh. Đó là một chiếc khuôn có thiết kế khá đơn giản, gồm 4 cánh hoa mai tỏa rộng ra 4 góc, ở giữa có ghi hai chữ “Thanh xuân.”

Khuôn bánh Trung Thu 25 năm Việt-Mỹ và nghệ nhân phố cổ cuối cùng ảnh 2Không gian làm việc của ông Quang trên phố Hàng Quạt. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Có thể khẳng định đây là một tác phẩm ông cảm thấy ưng ý và tâm đắc nhất, bởi nó thể hiện đúng khả năng truyền tải thông điệp qua chiếc bánh, chiếc khuôn gỗ. Ở chiếc khuôn gỗ, người khách có thể yêu cầu nghệ nhân để có chiếc khuôn, cho ra cái bánh như ý.

“‘Thanh xuân’ chính là lời của tuổi trẻ, lời của người con gái, muốn thể hiện sự thanh cao, thanh thoát nhưng khó nói bằng lời. Vì vậy, cô ấy nói bằng bánh,” ông Quang thủ thỉ.

Chiếc bánh Trung Thu chính là một là cách thức để trao lời yêu thương, trao thông điệp. Mỗi thế hệ có những thông điệp khác nhau. “Tết Trung Thu dành cho trẻ em, phục vụ trẻ em là chính. Sau đó mới là dịp cho những lứa tuổi khác. Trẻ thì vui chơi, người già, người lớn thì cúng lễ, biếu xén qua những chiếc bánh. Chiếc khuôn chính là công cụ giúp ích cho điều đó.”

Hơn 40 năm trong nghề, việc phác thảo thiết kế lên giấy trước khi khắc khuôn gỗ không còn là một công đoạn khi ông làm việc. Bởi nó đã hiện rõ nét trong đầu ông rồi. Cái khiến ông quan tâm, đau đáu bây giờ là làm thế nào để không bị cũ.

Khuôn bánh Trung Thu 25 năm Việt-Mỹ và nghệ nhân phố cổ cuối cùng ảnh 3Chiếc khuôn bánh khắc hình chuột Mickey. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Những khuôn khắc hình con vật như cá chép, con rùa, con rùa... đều là những con giống quen thuộc với thiếu nhi ngày xưa. Vì Trung Thu là tết thiếu nhi, đến nay các hình tượng có thể là Đôrêmon, chuột Mickey, Trư Bát Giới… Tất cả đều là để phục vụ trẻ em.”

Dù say mê với nghề những ông không chìm đắm, mê man trong thế giới của riêng mình. Nghệ nhân Phạm Văn Quang nhận thức rất rõ về cách thức để tồn tại với nghề khắc khuôn gỗ này, ở đây, cách duy nhất để tồn tại là phải phát triển.

“Bây giờ mình cũng phải đi theo xã hội,” ông nói nói với thái độ thoải mái, đầy thực tế. “Đó chính là điều xã hội đòi hỏi, mình phải nhận biết mà thích nghi. Mình là một thành phần, một nghề nhỏ của xã hội. Thế nên qua cái khuôn, mình phải hội nhập vào xã hội, vào cuộc sống. Nếu muốn tồn tại, anh phải chạy để tồn tại. Anh không chạy, người ta đuổi sát ‘nút’ rồi người ta sẽ vượt qua anh. Đó là quy luật tự nhiên của mọi ngành nghề.”

“Những chiếc bánh, chiếc khuôn chính là nơi gửi gắm cái ‘tôi.’ Nói gì thì nói, cứ làm ra cái bánh, đặt lên quầy, bán được hay không. Đó chính là cái đáp ứng cuối cùng. Từ khuôn, từ bánh quy ra tiền, đó chính là cái đáp số cuối cùng, chứ chẳng ai tự nhận mình là tài giỏi cả," ông Quang chia sẻ./.

Video ông Phạm Văn Quang chia sẻ về nghề và những chiếc khuôn bánh độc bản cho đại sứ Mỹ:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục