Kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng; lập danh sách các sản phẩm quảng cáo nhưng không công bố sản phẩm, quảng cáo quá mức.
Lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ thực phẩm chức năng giả tại số 9 Hoàng Cầu (Hà Nội). (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Theo thông báo, thời gian gần đây, việc quảng cáo, kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng diễn biến phức tạp. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Trong thời gian qua, nhìn chung việc quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục có chuyển biến tích cực, tỷ lệ thực phẩm sạch, an toàn ngày càng nhiều, nhất là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ về thực hiện các yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng lên.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện quyết liệt.

[Phát hiện nhiều thực phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine]

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức. Tình trạng thực phẩm nhiễm vi sinh chưa giảm; một số quy trình, thủ tục về an toàn thực phẩm vẫn còn vướng mắc; tình trạng đầu tư sản xuất sạch theo các quy trình tiên tiến tại các trang trại gần đây có dấu hiệu nguội đi; quảng cáo, kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng; lập danh sách các sản phẩm quảng cáo nhưng không công bố sản phẩm, quảng cáo quá mức, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Với các doanh nghiệp vi phạm, Bộ Y tế gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét xử lý người quảng cáo, nhà phát hành quảng cáo theo quy định; đồng thời có thông tin cảnh cáo về nguy cơ không an toàn của các sản phẩm thực phẩm trên gửi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi, kịp thời đến người tiêu dùng.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Chính phủ các giải pháp quản lý việc bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, bảo đảm ngăn ngừa các nguy cơ mất an toàn thực phẩm và thiệt hại của người tiêu dùng. 

Bộ Tài chính chủ trì, rà soát vấn đề kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời các vướng mắc (nếu có), lưu ý bố trí bổ sung kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện các Chương trình phối hợp đã ký kết với Chính phủ theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế sớm có đánh giá để nhân rộng mô hình quản lý an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhất là về vấn đề cơ quan chuyên trách và việc bố trí nhân lực.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, có định hướng thông tin phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi các hành vi thói quen vốn rất phổ biến trong xã hội có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm bẩn vi sinh trong thực phẩm; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền qua các đoàn thể, gắn với tập huấn chuyên môn quản lý an toàn thực phẩm; nghiên cứu tổ chức các hình thức thông tin phù hợp, hấp dẫn như tổ chức các cuộc thi về an toàn thực phẩm…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục