Kiểm soát xuất khẩu sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực

Chuyên gia WB cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực đã và đang gây ra cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine và Nga.
Kiểm soát xuất khẩu sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Aaditya Mattoo, vừa cho biết, các quốc gia áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ khiến giá lương thực toàn cầu càng gia tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều quốc gia và ảnh hưởng lâu dài đến thương mại lương thực toàn cầu.

Theo ông Aaditya Mattoo, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số sản phẩm cụ thể có thể gây ra những hạn chế mới nhằm "cách biệt" thị trường nội địa, điều sẽ khiến giá trên thế giới tăng lên. Ông nói: “Ngay cả bản thân các nhà xuất khẩu cũng có thể thua lỗ khi giá thế giới tăng cao.”

Ông Mattoo cho biết, trong các cuộc khủng hoảng trước đây, khi giá lương thực toàn cầu tăng vọt vào năm 2008 và 2011, chính phủ các nước đã áp đặt hơn 80 hạn chế mới đối với các sản phẩm thực phẩm. Các nghiên cứu cho thấy những hành động đó đã đẩy giá thế giới tăng thêm từ 13% đến 15%.

[WFP kêu gọi mở lại các cảng ở miền Nam Ukraine để xuất khẩu lương thực]

Nhà kinh tế của WB này cũng cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng lương thực đã và đang gây ra cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine và Nga. Ông nói: “Nếu sự gián đoạn vẫn tiếp diễn và chính sách có chiều hướng đi ngược lại thì tình hình sẽ còn khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nước nhỏ và nghèo không có nguồn cung cấp.”

Bên cạnh cuộc xung đột Nga-Ukraine, ông Mattoo nhận định rằng các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và đại dịch COVID-19 liên tục lan rộng cũng tạo ra những sóng gió cho tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Ông Mattoo cũng khuyến nghị các nước nên nắm bắt những cơ hội chuyển đổi mô hình thương mại và phổ biến công nghệ nhanh hơn, tăng cường hợp tác tài chính, đồng thời tạo cơ sở hạ tầng cho việc phổ biến công nghệ mới.

Tăng trưởng kinh tế tổng thể ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương đang phát triển dự kiến sẽ chậm lại còn 5% trong năm 2022, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự kiến hồi tháng 10/2021, theo cập nhật diễn biến kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương gần đây của WB./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.