Một loạt yêu cầu về đạo đức kiểm toán viên, cách đánh giá, xử lý rủi ro, lưu ý khi kiểm toán với tập đoàn, tổng công ty vừa được Kiểm toán Nhà nước đưa ra theo tiêu chuẩn quốc tế. Những nội dung này được hy vọng không chỉ giúp chuẩn hóa hoạt động của Kiểm toán Nhà nước mà còn nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong khu vực công.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn với Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên về những quy định mới này.
- Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành hệ thống chuẩn mực theo hướng tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Hệ thống chuẩn mực mới có điểm gì đáng chú ý và phía Kiểm toán Nhà nước hy vọng sẽ khắc phục những vấn đề gì hiện tại, thưa ông?
Ông Đoàn Xuân Tiên: Đây là lần thứ 3 Kiểm toán Nhà nước xây dựng và ban hành chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước, lần đầu tiên vào năm 1999, lần thứ 2 là năm 2010. Hệ thống chuẩn mực ban hành năm 2010 được xây dựng trên cơ sở các hướng dẫn, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam tại thời điểm ban hành. Về bản chất, hệ thống chuẩn mực này đã đảm bảo chất lượng và chức năng cung cấp các hướng dẫn mang tính nguyên tắc để kiểm toán viên tác nghiệp kiểm toán.
Tuy nhiên, hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước ban hành từ hai lần trước còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có các chuẩn mực riêng quy định về bộ quy tắc đạo đức ứng xử của kiểm toán viên, cũng như các nguyên tắc và hướng dẫn về việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng đối với hoạt động kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước thực hiện.
Do đó, các Kiểm toán viên nhà nước khi tiến hành kiểm toán tại các đơn vị kiểm toán nói chung và đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty hay ngân hàng có vốn Nhà nước nói riêng, phần lớn phải căn cứ vào các quy trình kiểm toán, các đề cương kiểm toán và các hướng dẫn khác.
Với yêu cầu mới được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu, việc tiệm cận và áp dụng một hệ thống chuẩn mực kiểm toán Nhà nước mới theo hướng tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs), đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trở thành một yêu cầu tất yếu. Việc này nhằm nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước mới ban hành với 39 chuẩn mực kiểm toán Nhà nước và danh mục thuật ngữ theo hướng tuân thủ các yêu cầu của ISSAI có vai trò làm kim chỉ nam dẫn đường cho kiểm toán viên khi tác nghiệp kiểm toán. Hệ thống chuẩn mực cũng sẽ giúp nâng cao đạo đức kiểm toán viên, kiểm soát chất lượng kiểm toán, và đặc biệt là việc đánh giá về tính trọng yếu, rủi ro, hạn chế các sai sót trong công tác kiểm toán.
- Ông có nhắc tới chuẩn mực riêng về quy tắc đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Đây sẽ yêu cầu bắt buộc để mỗi kiểm toán viên Nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động kiểm toán. Ông có thể làm rõ hơn nội dung này?
Ông Đoàn Xuân Tiên: Đúng vậy, đây là lần đầu tiên hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước mới dành riêng một chuẩn mực để quy định về bộ quy tắc đạo đức ứng xử của kiểm toán viên (CMKTNN- 30).
Như chúng ta đều biết, lĩnh vực kiểm toán đòi hỏi các kiểm toán viên, đặc biệt là các kiểm toán viên Nhà nước phải tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn, quy trình chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp nhằm đảm bảo tính liêm chính, độc lập, khách quan, chất lượng kiểm toán.
Để làm được điều này, một số quy định cụ thể có thể nhắc tới trong chuẩn mực như: kiểm toán viên không được nhận tiền, quà biếu và tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong kiểm toán; kiểm toán viên Nhà nước phải thẳng thắn khi đưa ra các kết luận và kiến nghị về nội dung kiểm toán, phải bảo vệ ý kiến của mình dựa trên các bằng chứng kiểm toán và những lập luận đúng đắn mà không chịu tác động bởi sự can thiệp từ bên ngoài,…
Ngoài ra, việc thận trọng, bảo mật cũng là một trong những nội dung chuẩn mực như: Kiểm toán viên Nhà nước không được sử dụng các thông tin mà mình có được thông qua hoạt động kiểm toán vào các mục đích khác ngoài nhiệm vụ kiểm toán hoặc ngoài nghĩa vụ liên quan đến nhiệm vụ kiểm toán, nhằm mục đích đem lại lợi ích cho bản thân, cho những người khác hoặc phương hại đến lợi ích của những đối tượng khác,…
Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Nhà nước mới được ban hành đóng vai trò vừa là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán, vừa là thước đo cơ sở để kiểm soát, đánh giá chất lượng và đạo đức hành nghề của kiểm toán viên trong quá trình tác nghiệp.
Như vậy xuyên suốt trong quá trình tham gia hoạt động kiểm toán cũng như thực thi công vụ, kiểm toán viên Nhà nước phải luôn nhận thức rõ được các yêu cầu kể cả về hành vi đạo đức cho đến chuyên môn nghiệp vụ, tuyệt đối tuân thủ để đảm bảo chất lượng kiểm toán và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Ông từng cho rằng việc áp dụng hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước vào thực tế gặp một số khó khăn, trong đó có khó khăn là thay đổi thói quen và tâm lý ngại đổi mới. Phía Kiểm toán Nhà nước dự định sẽ đưa những chuẩn mực này vào thực tế ra sao để đảm bảo hiệu quả?
Ông Đoàn Xuân Tiên: Khi thực hiện đánh giá việc tuân thủ ISSAI của Kiểm toán Nhà nước chúng tôi cũng đã nhận định: Việc áp dụng hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước vào thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong đó có khó khăn xuất phát từ tâm lý ngại thay đổi thói quen và ngại đổi mới.
Thực tế, khi mà công việc hàng ngày đã trở thành thói quen, thành lối mòn thì việc đón nhận một cái mới và thay đổi để phù hợp với nó không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài ra, trình độ kiểm toán viên cũng là một rào cản để có thể tiếp cận và triển khai bộ chuẩn mực kiểm toán nhà nước mới.
Để phát huy tối đa lợi thế đó và triển khai áp dụng bộ chuẩn mực kiểm toán mới được toàn diện, Kiểm toán Nhà nước sẽ chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về bộ chuẩn mực một cách bài bản, khoa học. Song song với đó, phía Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ xây dựng một kế hoạch, lộ trình thực hiện áp dụng chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước một cách rõ ràng, không nôn nóng, chủ quan.
Kiểm toán Nhà nước đồng thời sẽ bám sát kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã được Quốc hội phê duyệt từ việc đào tạo tập huấn trong ngành, tuyên truyền phố biến ngoài ngành, đến việc tổ chức thực hiện chuẩn mực, kiểm tra, kiểm soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm theo từng giai đoạn cụ thể.
Tôi tin tưởng rằng, cùng với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành Kiểm toán Nhà nước sẽ phát huy được tối đa giá trị sâu sắc của bộ chuẩn mực và qua đó nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, gia tăng giá trị và tác động của hoạt động Kiểm toán Nhà nước./.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Quyết định 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước gồm 39 chuẩn mực và danh mục thuật ngữ sử dụng trong hệ thống chuẩn mực. Một số chuẩn mực được quy định như: Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp; Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính; Đánh giá các sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán tài chính; Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn,… Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2016.