Kiến nghị tổ chức thu gọn Chương trình mục tiêu quốc gia

Chương trình mục tiêu quốc gia được kiến nghị theo hướng gom thành hai Chương trình gồm Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.
Kiến nghị tổ chức thu gọn Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Triển khai Nghị quyết số 13/2011/QH13 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã triển khai thực hiện 16 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn này.

Báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đánh giá việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia những năm qua có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến đời sống của người dân.

Giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội

Chính phủ đã triển khai thực hiện 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí được phê duyệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (chưa bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới) là 168.009 tỷ đồng. Tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 là khoảng gần 324.000 tỷ đồng.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ hơn 14% năm 2010 dự kiến xuống còn dưới 5% năm nay (bình quân giảm 2%/năm). Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 80% lên khoảng 86%; số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 65%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 17,5% xuống còn 14,5%. Tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ hơn 23‰ và hơn 15‰ vào năm 2011 dự kiến xuống còn hơn 22‰ và gần 15‰ vào năm nay. Đã có 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức một và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Số lao động được tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm ước đạt hơn 552.000 người.

Chính phủ nhận định các Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trong giai đoạn vừa qua đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội; tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo… đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; kiến thức sản xuất, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên, điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đã bước đầu mang lại chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần đáng kể vào việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, giáo dục mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Tính bền vững của Chương trình còn chưa cao

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Chính phủ đã chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế qua quá trình triển khai. Do số lượng Chương trình nhiều, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, vì vậy, bên cạnh một số mục tiêu đạt kế hoạch dự kiến (như số xã đạt tiêu chí nông thôn mới dự kiến đạt 20%, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự kiến giảm bình quân 2%/năm) có một số mục tiêu đạt thấp so với dự kiến.

Mục tiêu “số làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường” và mục tiêu “cải thiện và phục hồi môi trường cho những khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra” của Chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường mới hoàn thành hơn 23% và 18% so với mục tiêu được phê duyệt đến năm 2015. Mục tiêu “hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho các di tích quốc gia” của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới đạt 52%. Bên cạnh đó, một số mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đánh giá được mức độ hoàn thành so với mục tiêu được phê duyệt.

Qua triển khai cho thấy, việc phối hợp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giữa các đơn vị được giao quản lý các thành phần còn nhiều hạn chế. Các Chương trình có xu hướng được vận hành độc lập và không được kết hợp lại để đạt được những kết quả lớn hơn. Việc phê duyệt từng dự án thành phần thực hiện chậm đã ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương, đặc biệt là kế hoạch tổng thể thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cho cả giai đoạn.

Cơ chế điều phối và phối hợp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được Chính phủ đánh giá còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa trung ương và địa phương trong việc lập kế hoạch về nguồn vốn và mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Việc phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp với cơ quan quản lý và cơ quan thực hiện Chương trình ở trung ương và địa phương chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm, cưa đạt được sự thống nhất trong đầu mối quản lý chung các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ quản lý, các cơ quan thực hiện Chương trình còn chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu về công tác báo cáo; thiếu sự phối hợp trong công tác lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát thực hiện...

Mặc dù trong quy chế về quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia đã quy định về việc các địa phương tổ chức lồng ghép và phối hợp các nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án trên cùng địa bàn để tránh chồng chéo, giảm bớt đầu mối và tập trung nguồn lực để thực hiện một số mục tiêu ưu tiên nhưng việc ban hành văn bản hướng dẫn lồng ghép từ cấp trung ương mới chỉ thực hiện được ở một số Chương trình có cùng mục tiêu.

Đánh giá công tác lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương mới thực hiện được việc lồng ghép và huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu của xây dựng nông thôn mới, còn lại rất ít địa phương thực hiện tốt công tác lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa Chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình, dự án khác trên địa bàn. Việc lồng ghép thực tế tại các địa phương đã có báo cáo, thực chất chỉ là phép tính cộng dồn nguồn vốn từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn...

Chính phủ nhận định kết quả của một số chương trình còn chưa vững chắc, tính bền vững của chương trình còn chưa cao. Các địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì kết quả thực hiện của Chương trình do thiếu kinh phí hoạt động khi chuyển sang hoạt động thường xuyên của ngành. Việc quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư thiếu bền vững do hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.

Tổ chức lại việc đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

Để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội, tạo điều kiện cho địa phương, cơ sở chủ động trong lồng ghép đầu tư trên địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị tổ chức lại việc đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo hướng gom thành hai Chương trình gồm Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; vệ sinh, môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nông thôn; nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình; quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống của cư dân nông thôn; phát triển giáo dục ở nông thôn; phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình được triển khai thực hiện ở tất cả các xã trên địa bàn nông thôn cả nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Quy trình phân bổ và sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phải được kiểm soát chặt chẽ và quy định rõ ràng hơn trách nhiệm giữa các cấp ngân sách; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên để thực hiện và phân bổ nguồn lực để thực hiện chương trình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc kế hoạch thực hiện các mục tiêu của chương trình, kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn vốn phải được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương phải được thống nhất với kế hoạch thực hiện chung của từng Chương trình; trong đó có sự thống nhất về mục tiêu thực hiện các kết quả đầu ra; tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục