Kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang tăng hơn 7% so với năm ngoái

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Kiên Giang ước đạt 731 triệu USD, tăng hơn 7% so với năm ngoái; trong đó gạo hơn 243 triệu USD, thủy sản 251,5 triệu USD, giày da gần 117 triệu USD...
Thủy hải sản khai thác được trên vùng biển Tây Nam được vận chuyển xuống bến chợ Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang). (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, mặc dù xuất khẩu hàng hóa không đạt kế hoạch năm nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá và tăng so với năm 2020. 

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Kiên Giang ước đạt 731 triệu USD, tăng hơn 7% so với năm ngoái; trong đó gạo hơn 243 triệu USD, thủy sản 251,5 triệu USD, giày da gần 117 triệu USD...

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện những giải pháp linh hoạt, từng bước ổn định, duy trì hoạt động ngoại thương.

Các doanh nghiệp dự báo những tháng cuối năm, thị trường thế giới có nhu cầu hàng hóa rất lớn, hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng mạnh, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, giày da, quần áo… nên có kế hoạch tăng cường hoạt động xuất khẩu.

Tiếp đến, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường xuất khẩu không có nhiều thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh.

Thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh là các nước khối Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực Đông Nam Á với 3 nhóm hàng là nông sản, thủy hải sản, giày da và một số hàng hóa khác.

[Tỉnh Kiên Giang quyết liệt khắc phục “thẻ vàng” của EC]

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm gián đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngừng hoạt động sản xuất chế biến sản phẩm hàng hóa hoặc nỗ lực duy trì sản xuất cầm chừng đã ảnh hưởng lớn, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn nhất và khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trở lại trạng thái bình thường mới thì tập trung phục hồi nhanh, đẩy mạnh sản xuất.

Cụ thể là hỗ trợ các doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, thực hiện các gói hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ đối với doanh nghiệp, ổn định nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất chế biến, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kết nối giao thương…

Các doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng hóa xuất khẩu vượt khó, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để khắc phục tác động của dịch COVID-19, hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," "1 cung đường, 2 điểm đến."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục