Standard Chartered: Xuất khẩu của VN dự kiến đạt 535 tỷ USD vào 2030

Theo báo cáo của Standard Chartered có 41% các doanh nghiệp toàn cầu được khảo sát hiện đang có hoạt đông sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch sản suất tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.
Standard Chartered: Xuất khẩu của VN dự kiến đạt 535 tỷ USD vào 2030 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered mang tên “Tương lai thương mại 2030: các xu hướng và thị trường cần quan tâm” công bố ngày 30/11, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm và đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi từ mức 17.400 tỷ USD lên 29.700 tỷ USD trong thập kỷ tới; trong đó, Việt Nam được đánh giá là một thị trường quan trọng đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Cũng theo báo cáo này, có 41% các doanh nghiệp toàn cầu được khảo sát hiện đang có hoạt đông sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch sản suất tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới. Điều này cho thấy, Việt Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 10 năm tới.

Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, lần lượt chiếm tỷ lệ 26% và 19% tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030. Còn Ấn Độ là thị trường có thể mang đến cho Việt Nam mức tăng trưởng xuất khẩu cao, đạt trung bình 11% mỗi năm từ 2020 đến 2030.

Với hoạt động thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Việt Nam đang nổi lên là một cơ sở sản xuất quan trọng. Bên cạnh đó, những lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý gần nhiều chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu và chính sách cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp Việt Nam thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Theo bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, việc tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua đa dạng Hiệp định thương mại tự do như Việt Nam-EU, Việt Nam-Anh Quốc... đang mang đến cho Việt Nam nhiều thuận lợi. Ngoài ra, giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường chuỗi giá trị ở các lĩnh vực cũng như tạo ra việc làm yêu cầu tay nghề cao.

"Chính những yếu tố nêu trên, đã tạo niềm tin doanh nghiệp lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong tương lai. Về phía Standard Chartered luôn nỗ lực tận dụng lợi thế của mình về mạng lưới quốc tế và sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước để hỗ trợ quá trình này," bà Michele Wee cho biết thêm.

[Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu tháng Tám giảm 6%]

Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered mang tên “Tương lai thương mại 2030: các xu hướng và thị trường cần quan tâm” được thực hiện dựa trên mô hình kinh tế dự báo xuất khẩu; trong đó, gồm một cuộc khảo sát với hơn 500 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp toàn cầu.

Vì vậy, báo cáo này cũng đưa ra dự báo thương mại toàn cầu sẽ được định hình bởi 5 xu hướng chính: việc áp dụng rộng rãi các chuẩn mực về thương mại công bằng và bền vững; sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, các rủi ro được đa dạng hóa hơn; tăng cường số hóa và quá trình tái cân bằng hướng tới các thị trường đang nổi có mức tăng trưởng cao.

Báo cáo cũng chỉ ra một xu hướng quan trọng, đó là sự gia tăng của tiêu dùng thông minh và việc áp dụng các tiêu chuẩn thương mại bền vững nhằm giải quyết quan ngại về biến đổi khí hậu.

Điển hình, có 90% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát đồng tình với việc cần phải áp dụng các tiêu chuẩn này trong chuỗi cung ứng, nhưng chỉ có 34% trong số đó đặt vấn đề này trong nhóm top 3 những ưu tiên cần được triển khai trong 5 tới 10 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.