Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 3 năm qua

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 3 năm qua ảnh 1Công nhân làm việc tại Nhà máy Jack Sewing Machine ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Số liệu chính thức được công bố ngày 8/8 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua vào tháng trước, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này gặp các “cơn gió ngược” cả ở môi trường trong nước và quốc tế.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Mức giảm nói trên cũng lớn hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi xuất khẩu của nước này giảm 17,2% vào đầu năm 2020, khi nền kinh tế bị chững lại trong những tuần đầu bùng phát dịch COVID-19.

Ngoại trừ sự phục hồi ngắn ngủi trong tháng Ba và tháng Tư, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm gần như liên tục kể từ tháng 10 năm ngoái.

Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu, cùng với tình trạng lạm phát cao, đã góp phần khiến nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc yếu đi trong những tháng gần đây.

[Trung Quốc: PMI giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nguy cơ kinh tế giảm tốc]

Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn dự đoán, ở mức 12,4%, đánh dấu tháng giảm thứ chín liên tiếp. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước đang sụt giảm.

Ông Ken Cheung Kin Tai, chuyên gia phân tích của ngân hàng Mizuho Bank, nhận định số liệu thương mại yếu kém nói trên cho thấy nhu cầu nước ngoài ảm đạm, trong khi các công ty nhập khẩu cũng “ngần ngại” trong việc mua hàng hóa để phục vụ sản xuất và đầu tư trong nước.

Theo ông, trong bối cảnh này, hạ giá đồng nhân dân tệ có thể là một công cụ để hỗ trợ xuất khẩu và mở đường cho phục hồi kinh tế.

Các số liệu thương mại này là chỉ báo mới nhất cho thấy sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đang dần mất đà. Giới chức nước này đang chịu áp lực ngày càng gia tăng trong việc phải đưa ra các biện pháp kích thích mới sau nhiều tháng liên tục ghi nhận các số liệu kinh tế kém khả quan.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa, song cảnh báo “những khó khăn và thách thức mới,” cũng như “các nguy cơ tiềm ẩn trong các lĩnh vực chủ chốt.”

Quốc vụ viện Trung Quốc tháng trước đã công bố bản kế hoạch với 20 nội dung nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực như nhà ở, văn hóa và du lịch, cũng như tiêu dùng “xanh” như xe điện. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – Ngân hàng Trung ương) cũng đã cắt giảm nhiều loại lãi suất trong những tuần gần đây nhằm vực dậy nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, một trong những mức mục tiêu thấp nhất của nước này trong hàng chục năm qua, nhưng Thủ tướng Lý Cường vẫn cảnh báo đây là một mục tiêu không dễ dàng đạt được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.