Theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn Thủ đô 5 tháng đầu năm nay tăng rất mạnh, báo hiệu sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của thành phố Hà Nội.
Năm tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thành phố Hà Nội ước tính đạt 6.908 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3.740 triệu USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3.168 triệu USD, tăng 18,7%.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ như hàng dệt, may đạt 1.015 triệu USD, tăng 39,2%; máy tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 954 triệu USD, tăng 20,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 638 triệu USD, tăng 13,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 367 triệu USD, tăng 31,2%; hàng nông sản đạt 328 triệu USD, tăng 4,7%; hàng hóa khác đạt 1.817 triệu USD, tăng 16,5%.
Tuy nhiên, 3 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái gồm máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 768 triệu USD, giảm 4%; hàng gốm sứ đạt 88 triệu USD, giảm 3,7%; điện thoại và linh kiện đạt 47 triệu USD, giảm 67,8%.
[Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng của thành phố Hà Nội tăng trên 3%]
Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 25,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,4%.
Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn so với cùng kỳ năm ngoái như máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 2.390 triệu USD, giảm 7,6%; xăng dầu đạt 2.351 triệu USD, gấp 2,6 lần; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.311 triệu USD, tăng 32,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 992 triệu USD, giảm 10,2%; sắt thép đạt 838 triệu USD, tăng 38,4%; sản phẩm hóa chất đạt 671 triệu USD, tăng 97,6%; chất dẻo đạt 648 triệu USD, tăng 15,2%.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người mắc đang giảm mạnh, Hà Nội đang khuyến khích thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI.
Thành phố tạo mọi điều kiện và thường xuyên lắng nghe, trao đổi, đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh, hàng hóa sản xuất đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu./.