Kinh tế Ai Cập dự kiến tăng trưởng 2,9% trong tài khóa 2015

Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, nền kinh tế của Ai Cập dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm tài chính 2015 (bắt đầu từ ngày 1/7/2014).
Kinh tế Ai Cập dự kiến tăng trưởng 2,9% trong tài khóa 2015 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN)

Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, nền kinh tế của Ai Cập dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm tài chính 2015 (bắt đầu từ ngày 1/7/2014).

Trước đó, Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu tăng trưởng 3,2% trong kế hoạch phát triển kinh tế 2014/15, trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này đang bắt đầu phục hồi sau thời gian sụt giảm mạnh do khủng hoảng chính trị và an ninh kể từ cuộc cách mạng ngày 25/1/2011 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Theo báo cáo của WB, Ai Cập đặc biệt được hưởng lợi từ tình hình ổn định hơn và từ sự hỗ trợ tài chính hào phóng của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) dành cho các chương trình đầu tư.

Kết quả là sản xuất công nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ và Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) cho thấy niềm tin kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Lợi ích của các nhà đầu tư tại Ai Cập gia tăng do kinh tế của quốc gia này bắt đầu phục hồi, trong khi sự hỗ trợ của GCC đã giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại tệ.

Trong năm 2014, Ai Cập đã bắt đầu cải cách chương trình trợ cấp của chính phủ với quyết định điều chỉnh giá nhiên liệu tăng tới 78% và kế hoạch tăng gấp đôi giá điện trong năm năm tiếp theo.

Cùng với các biện pháp tăng thu, các quyết định nói trên của Chính phủ Ai Cập nhằm mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức tương đương 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tài khóa kết thúc vào tháng 6/2013 xuống còn 11% GDP trong vòng hai năm.

Cũng theo WB, lượng kiều hối của Ai Cập đã ổn định trong năm 2014 sau khi giảm mạnh trong năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.