Kinh tế Ai Cập tăng trưởng 5,6% trong tài khóa 2018-2019

Theo Bộ trưởng El-Saeed, kinh tế Ai Cập còn ghi nhận thêm một tín hiệu tích cực khác khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm từ mức 13,4% trong năm 2013 xuống còn 7,5% trong quý 2/2019.
Kinh tế Ai Cập tăng trưởng 5,6% trong tài khóa 2018-2019 ảnh 1Một khu chợ tại Ai Cập. (Nguồn: AP)

Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập Hala El-Saeed ngày 8/11 thông báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đạt 5,6% trong tài khóa 2018-2019 (kết thúc cuối tháng 6/2019), cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình 3,8% của kinh tế thế giới trong năm 2018.

Theo Bộ trưởng El-Saeed, kinh tế Ai Cập còn ghi nhận thêm một tín hiệu tích cực khác khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm từ mức 13,4% trong năm 2013 xuống còn 7,5% trong quý 2/2019, mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua.

Trong khi đó, ngân hàng Deutsche Bank của Đức cũng đưa ra dự báo cho rằng kinh tế quốc gia Bắc Phi này có thể tăng trưởng 5,5% trong năm 2019, nhờ hoạt động xuất khẩu cao hơn đáng kể.

Cùng lúc, các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong đó có phát triển các mỏ khí đốt, xây dựng thủ đô hành chính mới, phát triển kênh đào Suez và các khu công nghiệp đã góp phần tăng lượng chi tiêu vốn của Ai Cập và qua đó tạo đà thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.

[Ai Cập và Nga tập trận quân sự 'Mũi tên Hữu nghị-2019']

Ngoài ra, Deutsche Bank dự báo Ai Cập sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, dầu mỏ và khí đốt. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân được dự báo sẽ bắt đầu cải thiện đáng kể từ quý 1/2020 khi sức ép lạm phát giảm bớt vào cuối năm nay.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Ai Cập đưa ra đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hối thúc chính phủ nước này giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Đây được coi là tiền đề quan trọng để Ai Cập có thể giải quyết các thách thức về nhân khẩu học trong trung hạn.

Ước tính, kinh tế Ai Cập sẽ tạo thêm 3,5 triệu lao động mới trong vòng 5 năm tới.

IMF khẳng định, lực lượng lao động trẻ tăng lên vừa là cơ hội cũng là thách thức không nhỏ đối với Ai Cập, khi khu vực tư nhân sẽ phải chịu sức ép tuyển dụng nhiều nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.