Kinh tế Ấn Độ đối mặt với tình trạng suy giảm kéo dài do COVID-19

Các ca nhiễm mới tại Ấn Độ đang tăng ngày càng nhanh bên ngoài các khu đô thị lớn, làm tiêu tan hy vọng kinh tế nông thôn sẽ đóng vai trò vùng đệm cho lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất đang bị thu hẹp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 19/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN(
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 19/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN(

Gần một nửa dân số 1,38 tỷ người của Ấn Độ sống phụ thuộc vào nông nghiệp và lĩnh vực này chiếm 15% tổng lượng kinh tế quốc gia, song đang có những dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang bắt đầu một thời kỳ suy giảm kéo dài khi mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng đến các vùng nông thôn.

Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sẽ công bố số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý đầu tiên tài khóa hiện tại (từ tháng 4-6/2020) vào ngày 31/8 tới.

Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng quốc gia Ấn Độ (SBI), GDP của nước này dự kiến sẽ giảm 16,5% trong quý đó.

Thậm chí một khảo sát của Reuters còn ước tính mức suy giảm trong giai đoạn tháng 4-6/2020 là 20%. GDP của cả năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021 có thể sẽ giảm 5,1%, số liệu tồi tệ nhất kể từ năm 1979.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định nhu cầu phân bón tăng cao và hoạt động gieo trồng gia tăng, hai dấu hiệu chính của hoạt động nông nghiệp, đang cho thấy những tín hiệu khả quan của nền kinh tế.

[Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ấn Độ tăng trưởng âm 3,2%]

Tuy nhiên, bốn quan chức chính phủ đánh giá mức độ gia tăng đó có thể không lớn như người ta nghĩ, bởi số ca COVID-19 hiện đang tăng mạnh ở các vùng nông thôn vốn từng khá an toàn trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Một quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết trên thực tế, tình hình kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng 4 và tháng 5/2020, và Ấn Độ có thể sẽ tiến tới thời kỳ suy giảm kinh tế dài hơn so với dự kiến trước đó.

Quan chức này nêu rõ nhu cầu tiêu dùng thấp và hoạt động cho vay nông thôn chậm lại đang là những nguyên nhân gây lo ngại.

Trong khi đó, một cố vấn chính phủ am hiểu về các kế hoạch ngân sách của Ấn Độ cảnh báo tình hình trên mặt trận kinh tế hết sức nghiêm trọng trong khi chính phủ “bị trói tay” trên mặt trận tài chính.

Sự sụt giảm nhu cầu hàng tháng đối với nhiên liệu, điện, thép, đồ tiêu dùng lâu năm và doanh số bán ôtô từ tháng 4-6/2020 càng làm nổi bật tình trạng ảm đạm của nền kinh tế.

Kinh tế Ấn Độ đối mặt với tình trạng suy giảm kéo dài do COVID-19 ảnh 1Lao động di cư Ấn Độ tìm cách trở về nhà do lệnh phong tỏa mà chính phủ nước này áp dụng vào ngày 17/5. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ có số ca nhiễm virus SARS CoV-2 cao thứ ba trên thế giới, tiệm cận 3 triệu ca tính đến ngày 22/8 sau khi ghi nhận mức tăng kỷ lục gần 70.000 ca trong 24 giờ qua.

Với đà này, Ấn Độ sẽ sớm vượt Brazil để trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới trong nửa đầu tháng Chín.

Các ca nhiễm mới đang tăng ngày càng nhanh bên ngoài các khu đô thị lớn, làm tiêu tan hy vọng kinh tế nông thôn sẽ đóng vai trò vùng đệm cho lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất đang bị thu hẹp.

Rahul Bajoria, một nhà kinh tế của hãng tài chính Barclays, cho rằng mặc dù sự phục hồi trong hoạt động nông nghiệp mang lại một tia hy vọng yếu ớt, nhưng cùng lắm đó chỉ là một yếu tố giúp giảm nhẹ tình hình. Ông Bajoria dự báo GDP của Ấn Độ sẽ giảm 22,2% trong ba tháng 4-6/2020.

Nông dân đã gieo trồng thêm gần 14% diện tích đất từ ngày 1/6-31/7 so với cùng kỳ năm ngoái do lượng mưa - gió mùa thuận lợi, trong khi sản lượng phân bón tăng 4,2% trong tháng Sáu.

Mặc dù vậy, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Kotak Mahindra Upasna Bhardwaj nhận định, cho dù động lực đến từ ngành nông nghiệp như vậy là một điều tích cực, điều này có thể sẽ không kéo dài do lo ngại về lao động dư thừa cùng với số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm ICRA cho rằng nhu cầu bị dồn nén đã góp phần cải thiện hoạt động sản xuất trong tháng 6-7/2020, nhưng điều đó có thể không được duy trì trong tháng Tám do các lệnh phong tỏa được tái áp đặt liên quan đến dịch COVID-19.

Thâm hụt tài khóa gia tăng cũng có thể sẽ hạn chế khả năng Ấn Độ cung cấp thêm các gói kích thích, cho dù Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sithamaran từng cam kết sẽ có biện pháp khuyến khích các ngành như du lịch và khách sạn.

Thâm hụt tài khóa của Ấn Độ lên mức kỷ lục 88,5 tỷ USD trong tháng 4-6/2020, đạt tới 83,2% mục tiêu cho cả tài khóa, do thu thuế thấp hơn và chi tiêu vượt kế hoạch.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) đã thực hiện các biện pháp cắt giảm lãi suất, nhưng nhiều người nhận thấy nhu cầu dường như vẫn tiếp tục giảm cho đến khi những lo lắng về dịch bệnh được xóa tan và chính phủ bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Kapil Gupta, nhà kinh tế trưởng của cơ quan nghiên cứu Edelweiss Research đánh giá việc làm phẳng đường cong COVID-19 của Ấn Độ đóng vai trò rất quan trọng để sản xuất tăng trưởng. Một khi nền kinh tế được tái vận hành đầy đủ, xuất khẩu sẽ dẫn đến sự phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.