Nền kinh tế châu Âu, chiếm gần 1/5 sản lượng kinh tế của thế giới, đang phải đối mặt với bài kiểm tra khó khăn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hơn hai năm trước.
Giống như Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, gây tổn hại cho người tiêu dùng và có khả năng đẩy nhanh sự kết thúc giai đoạn bùng nổ chi tiêu.
Bên cạnh đó, “lục địa già” còn vật lộn với một cuộc khủng hoảng năng lượng, tình trạng nắng nóng kỷ lục và nguy cơ bất ổn chính trị mới.
Các nhà kinh tế cảnh báo châu Âu có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới khi rủi ro chồng chất.
Khủng hoảng năng lượng
Mối lo ngại lớn nhất đối với kinh tế châu Âu hiện nay là khả năng tiếp cận năng lượng, giữa bối cảnh Nga có thể chặn nguồn cung khí đốt để “trả đũa” các lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột với Ukraine.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, các quốc gia dễ bị tổn thương bao gồm Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Các nhà dự báo hàng đầu của Đức ước tính nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ thiệt hại 220 tỷ euro (225 tỷ USD) trong hai năm tới.
[Châu Âu chưa thể thở phào khi thoát khỏi cơn sóng thần nợ xấu]
Nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến Đức đã giảm mạnh trước khi đường ống này bắt đầu bảo trì, với mức giảm tới 60% trong tháng trước, buộc chính phủ phải tuyên bố về một cuộc khủng hoảng khí đốt.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu rằng tập đoàn khí đốt Gazprom sẽ hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của doanh nghiệp này, song ông cảnh báo rằng tranh cãi về vấn đề các tuabin sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung.
Lạm phát
Lạm phát hàng năm tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên 9,6% trong tháng Sáu và tại Khu vực đồng euro (Eurozone) là 8,6%.
Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong ngày 21/7, ghi dấu lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo ngân hàng này sẽ phải đối mặt với một “cuộc chiến” khó khăn để kiểm soát tình hình.
ECB đã đi sau các ngân hàng trung ương khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn bắt đầu tăng lãi suất từ nhiều tháng trước. Và nếu tình hình thiếu hụt năng lượng khiến châu Âu rơi vào suy thoái, ECB có thể buộc phải đột ngột dừng việc tăng lãi suất và cản trở khả năng chống lạm phát.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng nếu suy thoái xảy ra, lạm phát có thể giảm mà không cần sự can thiệp sâu hơn từ ngân hàng trung ương.
Biến đổi khí hậu
Nạn cháy rừng tại Tây Ban Nha và Pháp cũng gây tác động xấu đối với hoạt động kinh tế. Các nhà nghiên cứu tại Ủy ban châu Âu (EC) cho biết gần một nửa lãnh thổ của châu Âu, bao gồm cả Anh, đang "có nguy cơ" bị hạn hán.
Đức đang phải vật lộn với sự sụt giảm mực nước dọc theo sông Rhine, một trong những huyết mạch giao thương.
Trong một nghiên cứu, ngân hàng Berenberg Bank cho biết mực nước thấp đồng nghĩa với việc sà lan trên sông sẽ phải di chuyển với mức vận chuyển ít hơn hoặc thậm chí ngừng hoạt động hoàn toàn. Theo đó, số lượng hàng hóa vận chuyển giảm và giá cước tăng. Vấn đề này có thể đè nặng lên lĩnh vực sản xuất cực kỳ quan trọng của Đức.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel ước tính trong một tháng có 30 ngày mức nước giảm, sản lượng công nghiệp của nước này giảm khoảng 1%.
Nguy cơ suy thoái
Một dự báo kinh tế mà EC đưa ra vào tuần trước cho rằng kinh tế EU sẽ tăng trưởng 2,7% năm 2022 và 1,5% vào năm 2023. Lạm phát trung bình hàng năm sẽ chạm mức cao kỷ lục 8,3% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,6%.
Theo Sylvain Broyer, nhà kinh tế tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, tài chính hộ gia đình vẫn mạnh và đầu tư công gia tăng. Mùa Hè này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một mùa du lịch bận rộn bất chấp sự hỗn loạn tại các sân bay, qua đó giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Chuyên gia Broyer cho rằng mặc dù nền kinh tế có nguy cơ suy giảm mạnh nhưng khả năng xảy ra suy thoái toàn diện là thấp hơn - khoảng từ 30% đến 43%.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do ngân hàng Bank of America công bố trong tuần này cho thấy 86% số người được hỏi dự báo về một cuộc suy thoái trong năm tới, tăng so với mức 54% vào tháng Sáu.
Erik Nielsen, Trưởng nhóm cố vấn kinh tế tại ngân hàng UniCredit của Italy, dự báo châu Âu có thể rơi vào suy thoái trong mùa Đông./.