Kinh tế Đức thoát khỏi suy thoái nhưng vẫn còn nhiều rủi ro

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho hay, kinh tế nước này tăng trưởng 0,1% trong quý 3/2019, dù không suy giảm nhưng các số liệu tăng trưởng kinh tế này vẫn quá yếu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tại cuộc họp báo về dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2019 tại Berlin ngày 17/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tại cuộc họp báo về dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2019 tại Berlin ngày 17/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/11, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã tránh được suy thoái trong quý 3/2019 nhưng cảnh báo tình hình phát triển kinh tế vẫn mong manh.

Phát biểu với đài truyền hình ARD sau khi Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Đức tăng trưởng 0,1% trong quý 3/2019, ông Altmaier cho rằng dù không suy giảm nhưng các số liệu tăng trưởng kinh tế nước này vẫn quá yếu.

Theo số liệu mới công bố, kinh tế Đức tăng trưởng 0,1% trong quý 3/2019 so với quý 2/2019, trái với dự đoán mà giới phân tích từng đưa ra rằng kinh tế nước này sẽ suy giảm 0,1% trong quý 3.

So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Đức trong giai đoạn từ tháng 7-9/2019 tăng 0,5% sau khi đạt mức 0,3% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019.

Kinh tế Đức tăng trưởng trong quý 3 chủ yếu là nhờ sức tiêu dùng mạnh. Theo Destatis, tiêu dùng hộ gia đình trong quý 3 cao hơn quý 2 trong khi chi tiêu chính phủ cũng tăng.

Cùng với đó, xuất khẩu và xây dựng cũng tăng trong khi đầu tư cho thiết bị mới giảm so với quý 2. Đây là những yếu tố tác động tích cực tới tăng trưởng GDP.

Destatis cũng điều chỉnh các số liệu kinh tế của nửa đầu năm 2019. Cụ thể, GDP quý 2/2019 suy giảm 0,2%, cao hơn mức 0,1% được công bố trước đó. Trong khi đó, GDP quý 1/2019 tăng 0,5%, cao hơn 0,1 điểm % so với số liệu cũ.

[Giới chuyên gia khuyến cáo về tình hình kinh tế ảm đạm tại Đức]

Các số liệu cập nhật cho thấy Chính phủ Đức dự đoán kinh tế sẽ tăng trưởng chỉ khoảng 0,5% trong năm 2019 và 1% trong năm 2020, thấp hơn mức dự đoán trước đó là 1,5%.

Ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu ở Đức thời gian qua chịu tác động nhiều bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, việc Washington đe dọa áp thuế với ôtô nhập khẩu từ Liên minh châu ÂU (EU) hay sự bất ổn từ vấn đề Brexit.

Sản xuất công nghiệp chuệch choạc và nỗi lo suy thoái đã làm nóng lại cuộc tranh cãi về việc chính phủ nước này có nên duy trì quy định giữ thâm hụt ngân sách ở mức 0% hay không.

Dù quy định này không bắt buộc, nhưng chính phủ Đức luôn duy trì chính sách không vay thêm nợ mới.

Các nhóm vận động và giới chuyên gia liên tục hối thúc chính phủ nới lỏng chính sách này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trường hợp suy thoái nghiêm trọng hơn.

Các đối tác của Đức tại châu Âu cũng như các viện tài chính quốc tế cũng đã lên tiếng kêu gọi Berlin hành động nhiều hơn để thúc đẩy kinh tế, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tân Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) Christine Lagarde.

Chuyên gia Andrew Kenningham  từ Capital Economics cho rằng trong bối cảnh các nhà lập pháp hầu như không nới lỏng chính sách tài khóa một cách đáng kể thì trong vài năm tới kinh tế Đức có thể rơi vào trạng thái suy thoái nhẹ.

Cho đến nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn không hồi đáp các lời kêu gọi trên.

Một nhóm các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã đề nghị Thủ tướng Đức Angela Merkel nới lỏng chính sách không vay thêm nợ mới trong trường hợp xảy ra suy thoái sâu và rộng.

Tuy nhiên, họ cũng kết luận rằng Đức chưa rơi vào tình huống cần phải vận dụng đến việc điều chỉnh chính sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.