Kinh tế Hàn Quốc có thể phục hồi nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, sau khi ước tăng 2% trong năm 2019, nhờ sự hồi phục của lĩnh vực sản xuất chip nhớ và một loạt các biện pháp chính sách.
Quang cảnh cảng hàng hóa Busan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 450km về phía đông bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh cảng hàng hóa Busan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 450km về phía đông bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki, kinh tế nước này dự kiến sẽ có những dấu hiệu phục hồi trong năm nay, nhờ thỏa thuận "đình chiến thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Hong Nam-ki kêu gọi các quan chức của Bộ trưởng Tài chính nỗ lực để đưa các thành quả của các chính sách kinh tế đến với người dân. Ông cho rằng cần phải hồi phục và lấy lại động lực cho nền kinh tế.

Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này trong năm 2019 được cho là sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong một thập niên, do tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài và sự giảm sút mang tính chu kỳ của lĩnh vực sản xuất chip nhớ.

Kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, sau khi ước tăng 2% trong năm 2019, nhờ sự hồi phục của lĩnh vực sản xuất chip nhớ và một loạt các biện pháp chính sách.

[Xuất khẩu của Hàn Quốc dự kiến tăng 3% trong năm 2020]

Để thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế trong năm nay, Chính phủ Hàn Quốc cam kết đầu tư 100 nghìn tỷ won (86,5 tỷ USD) thông qua các dự án của các doanh nghiệp lớn, các dự án công và các khoản đầu tư tư nhân.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, xuất khẩu của nước này trong năm 2019 đã giảm 10,3% so với năm 2018, xuống 542,4 tỷ USD.

Trong tháng 12/2019, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 5,2% so với tháng trước đó, xuống 45,7 tỷ USD, ghi dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tình hình xuất khẩu của Hàn Quốc có thể sẽ có sự xoay chuyển vào tháng Hai năm nay, nhờ sự hồi phục của kinh tế toàn cầu và các điều kiện ngày một cải thiện ở Trung Quốc.

Trong năm nay, xuất khẩu của nước này được dự báo tăng 3%.

Tốc độ giảm sút của lĩnh vực xuất khẩu đã chậm hơn trong quý 4/2019, với mức giảm trong các tháng 10, 11 và 12 lần lượt là 16%, 12,4% và 1,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.