Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm qua

Trong năm 2018, nền kinh tế Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7%, mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua do tình trạng đầu tư doanh nghiệp chững lại.
Bảng quảng cáo giảm giá tại một trung tâm thương mại ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bảng quảng cáo giảm giá tại một trung tâm thương mại ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 5/3 cho biết trong năm ngoái, nền kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7%, mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua do tình trạng đầu tư doanh nghiệp chững lại.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt mức 30.000 USD.

Số liệu cập nhật của BOK phù hợp với mức tăng trưởng được dự đoán cách đây 2 tháng là 2,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2012 khi Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng thấp 2,3%.

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng của nước này cũng chỉ đạt mức 1,6%, mức thấp nhất trong 9 năm qua.

[Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc duy trì lãi suất cơ bản ở mức 1,75%]

Ngoài ra, trong khi Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực kìm hãm giá nhà đang tăng vọt, đầu tư xây dựng đã giảm xuống mức 4%, mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1998.

Trong quý 4/2018 vừa qua, kinh tế Hàn Quốc đã đạt mức tăng trưởng 1% và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tính chung cả năm, kinh tế Hàn Quốc vẫn chưa đạt mức tăng trưởng ở ngưỡng 3% như kỳ vọng.

Trước đó một ngày, hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Moody's Investors Service đã thông báo về triển vọng ảm đạm đối với nền kinh tế Hàn Quốc khi hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2019 và 2020 do sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và các thị trường thương mại khác.

Theo Moody's, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2,7% trong năm 2018, và 2,2% vào năm 2020.

Những mức dự báo trên đều giảm so với các mức mà Moody's đưa ra hồi tháng 11/2018, lần lượt là 2,3% và 2,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.