Theo mạng www.dw.com ngày 20/8, nợ công của Hy Lạp hiện đang ở mức cao gấp đôi so với mức trung bình của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Giá trị thị trường của Hy Lạp tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã sụt giảm 1/3 kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra ở nước này.
Cứ trong số 5 người dân ở Hy Lạp thì có một người bị thất nghiệp. Thoạt nhìn, tình hình hiện nay không hề đem lại niềm lạc quan cho Hy Lạp.
Lâu nay, khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất cho GDP của Hy Lạp, tiếp đó là ngành công nghiệp và nông nghiệp. Nhưng Hy Lạp đang rất cần các nguồn thu nhập mới để tránh bị rơi trở lại tình trạng suy thoái sau khi chương trình thắt lưng buộc bụng thứ ba kết thúc vào ngày 20/8.
Xuất khẩu của Hy Lạp hiện là một nguồn thu đầy triển vọng: Bất chấp một vài năm đầy khó khăn, xuất khẩu hàng hóa của Hy Lạp đã tăng 35,5% trong giai đoạn từ 2010 đến 2017 và đây là một tín hiệu đáng khích lệ góp phần làm giảm các mối quan ngại ở Athens và Brussels.
Với xuất khẩu của Hy Lạp đang tăng dần, câu hỏi lớn hiện nay là liệu tình hình này có bền vững hay không và có đủ mạnh để Athens chi trả các khoản nợ cũng như đáp ứng những cam kết khắt khe về thặng dư ngân sách cơ bản của họ?
[Hy Lạp thoát khỏi gói cứu trợ quốc tế, song sức ép vẫn nặng nề]
Để trả lời cho câu hỏi này, trang www.dw.com đã tiến hành phân tích những dữ liệu từ 2010-2018. Cuộc điều tra này đã cho thấy ý tưởng cho rằng thương mại là phương thuốc chữa trị sẽ đi kèm với 3 cảnh báo sau:
Cảnh báo thứ nhất là chi phí lao động đã sụt giảm mạnh trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng. Khi cuộc khủng hoảng gây tác động mạnh nhất ở Hy Lạp vào năm 2010, chi phí lao động lại ở mức cao nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ và tiếp đó giảm mạnh.
George Pagoulatos, giáo sư chuyên về chính trị và kinh tế của châu Âu tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh ở Athens, cho rằng “việc tái cơ cấu tài khóa vốn diễn ra như một phần trong chương trình bình ổn thực hiện với EU đã làm giảm đáng kể chi phí lao động.”
Những gì hóa ra là có lợi cho các nhà xuất khẩu lại đi kèm với một nhược điểm: chi phí lao động là thước đo cho cả tiền lương và các mức thuế được trả cho nhà nước. Nhìn chung, các mức tiền lương đã bị sụt giảm thậm chí còn nhiều hơn chi phí lao động, và các doanh nghiệp Hy Lạp giờ đây phải chi trả ít hơn cho những lao động có tay nghề.
Ông Pagoulatos được dẫn lời nói: "Điều quan trọng là năng suất phải được nâng lên để tiền lương có thể tăng thêm. Trong phần lớn thời kỳ khủng hoảng, những lợi ích nhờ sự cạnh tranh về tiền lương đã bị xóa bỏ bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như gánh nặng thuế, chi phí an sinh xã hội, chi phí năng lượng và chi phí tín dụng cao hơn."
Điều này khiến hàng nghìn công ty hoặc phải đóng cửa hoặc chuyển giao các hoạt động của họ đến những nơi đánh thuế ít hơn, làm suy yếu thêm nền kinh tế.
Với nền kinh tế dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng, nên việc lương tăng lên chỉ còn là vấn đề thời gian, đồng thời tính khả thi về kinh tế của các nhà xuất khẩu sẽ được thử thách.
Cảnh báo thứ hai là tình trạng thiếu sự đa dạng trong xuất khẩu. Sự so sánh khối lượng hàng hóa xuất khẩu từ tháng 1-5/2010 với cùng kỳ năm 2018 cho thấy một khu vực nổi bật - và đó không phải là khu vực sản xuất dầu ôliu hay phômai feta.
Các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và những loại nhiên liệu khoáng khác chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hy Lạp trong 5 tháng đầu năm 2018, vượt xa bất kỳ khu vực nào khác.
Các chuyên gia, chẳng hạn như Christina Sakellaridis, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Panhellenic, tỏ ra hoài nghi về xuất khẩu xăng dầu: "Xăng dầu là một mặt hàng, và giá cả của nó hay biến động. Chúng tôi không thể gây ảnh hưởng đến giá cả của chúng... Nếu giá dầu tăng đáng kể, thì khi đó chi phí sản xuất trong nước ở Hy Lạp - và trong chừng mực nào đó là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Hy Lạp trên thị trường quốc tế - sẽ bị ảnh hưởng."
Do đó, Hy Lạp sẽ được khuyến khích để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu của mình.
"Gần đây, hàng xuất khẩu dựa vào công nghệ mới đang gia tăng, cũng như các sản phẩm được kết hợp bí quyết kỹ thuật cao và đổi mới, và đây là một điều rất đáng khích lệ đối với chúng ta," Sakellaridis nói.
Konstantinos Bitsios, Phó Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp Hy Lạp, cho rằng Hy Lạp thực sự là một nhà sản xuất hàng hóa công nghiệp quan trọng. Nước này là một trong những quốc gia có số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhiều nhất trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu khá nhiều những công ty lớn hơn đang gây cản trở khiến Hy Lạp không thể "cạnh tranh hiệu quả trên các thị trường quốc tế."
Điều này dẫn đến cảnh báo thứ ba: Các doanh nghiệp SME thường không thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu một cách dễ dàng như các công ty lớn.
Ông Bitsios nhấn mạnh: "Năng suất của các công ty ở quy mô rất nhỏ chỉ đứng ở mức khoảng 50% so với mức trung bình của EU, trong khi mức độ tham gia vào các chuỗi giá trị quốc tế cũng thấp."
Trước hết, tình hình tài chính Hy Lạp hiện đang khó khăn. Trong cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp hầu như không có bất kỳ sự tiếp cận tài chính nào.
Các ngân hàng cũng đã cung cấp nhiều khoản cho vay mà không hề có khả năng thu hồi, số lượng các khoản cho vay khó đòi đã tăng gấp mười lần, từ 11 tỷ euro trong năm 2008 lên 110 tỷ euro vào lúc đỉnh điểm. Hiện nay, con số này đứng ở mức 94 tỷ euro.
Bởi vậy, các ngân hàng hiện vẫn không thể cho vay nhiều và các công ty Hy Lạp, đặc biệt là các SME, đang phải vật lộn để mở rộng sản xuất và tìm kiếm nguồn tài trợ nhằm gia tăng hơn nữa hoạt động xuất khẩu.
Ông Bitsios gọi những khoản cho vay khó đòi là "một trong những di sản lâu dài của cuộc khủng hoảng," đồng thời cảnh báo chúng "đang đe dọa làm chệch hướng bất kỳ triển vọng tăng trưởng nào."
Điều không hề ngạc nhiên là, mặc dù xuất khẩu của Hy Lạp đang gia tăng, nhưng nó vẫn còn tương đối thấp nếu tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP khi so sánh với các quốc gia EU khác.
Hy Lạp gần như ở mức dưới cùng của thang điểm, chỉ trên Anh và Cộng hòa Cyprus, hai nước đều có định hướng chiến lược thiên về xuất khẩu dịch vụ hơn là hàng hóa.
Hy Lạp lâu nay luôn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, buộc nhà nước phải liên tục vay vốn từ các thị trường tài chính để bù đắp cho cán cân thương mại âm của họ.
Các ngành dịch vụ như du lịch và vận tải, trong một chừng mực nào đó, đã làm giảm bớt tình trạng thâm hụt lớn trong thương mại hàng hóa. Thâm hụt thương mại hiện đang được thu hẹp, chủ yếu là nhờ nhu cầu trong nước đối với hàng nhập khẩu giảm, và một phần cũng là vì kim ngạch xuất khẩu đang liên tục tăng.
Xét tổng thể, mặc dù Hy Lạp có khả năng trở thành nước xuất khẩu vững chắc, nhưng những yếu kém về cấu trúc - khả năng chi phí lao động gia tăng, hàng xuất khẩu chưa được đa dạng hóa, tình trạng thiếu các doanh nghiệp lớn đi kèm với việc thiếu các lựa chọn tài chính phù hợp, và sự thiếu vắng một chiến lược xuất khẩu quốc gia – có thể khiến mục tiêu đẩy mạnh đà phục hồi của Hy Lạp trở nên khá mong manh.
Tuy nhiên, đất nước này dường như đang đi đúng hướng. Hy Lạp phải đáp ứng các mục tiêu nghiêm ngặt về thặng dư ngân sách cơ bản (một thước đo về tài chính của chính phủ không bao gồm những khoản dùng để trả nợ): 3,5% GDP vào năm 2023 và 2,2% GDP vào năm 2060, một cam kết đầy tham vọng.
Theo kế hoạch ngân sách năm 2018, Chính phủ Hy Lạp dự đoán nước này sẽ đạt thặng dư ngân sách cơ bản 3,8% GDP trong năm nay./.