Kinh tế Hy Lạp đạt được nhiều tiến bộ đáng kể vượt dự báo trước đó

Các số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới công bố cho thấy ngân sách chính phủ (không tính các chi trả cho những khoản vay khổng lồ) của Hy Lạp đã thặng dư 0,7% GDP trong năm 2015.
Kinh tế Hy Lạp đạt được nhiều tiến bộ đáng kể vượt dự báo trước đó ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: athensguide.com)

Một ngày trước khi diễn ra cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) liên quan đến gói cứu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp, Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/4 cho hay nền kinh tế Xứ sở các vị Thần đang đạt được những tiến bộ đáng kể vượt mức dự báo trước đó.

Các số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới công bố cho thấy ngân sách chính phủ (không tính các chi trả cho những khoản vay khổng lồ) của Hy Lạp đã thặng dư 0,7% GDP trong năm 2015.

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) Annika Breidthardt nhận định kết quả này khả quan hơn rất nhiều so với mức mục tiêu được đưa ra trước đó (trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính thứ ba) là thâm hụt ngân sách không vượt quá 0,25% GDP cho cả năm ngoái.

Theo người phát ngôn Breidthardt, các cuộc đàm phán về đợt đánh giá tiến trình cải cách đầu tiên của Hy Lạp vẫn đang diễn ra tại Athens nhằm đưa ra quyết định cuối cùng về lộ trình cung cấp các khoản vay trong vòng năm năm tới cho Hy Lạp sớm nhất có thể.

Các cuộc đàm phán trên đã được hoãn lại kể từ mùa Thu năm ngoái do các bên chưa thể thống nhất những vấn đề liên quan đến cải cách lương hưu và các khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Bản thân các chủ nợ của Hy Lạp cũng đang có những mâu thuẫn nội bộ khi bất đồng vẫn tồn tại giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các thể chế châu Âu do mỗi bên có những nhận định khác nhau về thực trạng kinh tế Hy Lạp và cách thức giảm nợ dành cho nước này.

IMF và các chủ nợ châu Âu đưa ra quan điểm không đồng nhất về việc liệu Hy Lạp có thể đạt mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% GDP vào năm 2018.

Trong khi Athens và EU tin tưởng Hy Lạp có thể mục tiêu này thì IMF lại cho rằng mục tiêu là quá lạc quan và khẳng định Athens vẫn cần được cắt giảm nợ, đi kèm với các biện pháp bổ sung khác.

Về phía Hy Lạp, sau khi đón nhận lời khen ngợi từ phía EU, Thủ tướng Alexis Tsipras ngày 21/4 đã lên tiếng bác bỏ những ý định buộc Hy Lạp phải chấp nhận thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng và kêu gọi các chủ nợ đồng ý cắt giảm nợ cho nước này.

Một quan chức chính phủ Hy Lạp cho hay các bên đang tích cực thu hẹp khoảng cách, đặc biệt là trong vấn đề cải cách lương hưu và nợ xấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.