Nhận định về tương quan phát triển giữa hai nền kinh tế châu Âu và Mỹ trong thời gian tới, các chuyên gia phân tích cho rằng nền kinh tế khu vực châu Âu đang đối mặt với ít rủi ro hơn so với Mỹ.
Mặc dù vậy, xu hướng chỉ số giá tăng liên tiếp có thể là yếu tố “cản đường” sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch của Lục địa Già. Đây cũng là lý do khiến lạm phát là một trong những chỉ số được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.
Đã xuất hiện những lo ngại rằng kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD vừa được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 27/2 của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khiến nền kinh tế này phát triển quá “nóng.”
Điều này được thể hiện thông qua sự gia tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - chỉ số chính phản ánh kỳ vọng thị trường, cho thấy chỉ số giá sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với mức tăng 1,4% được ghi nhận vào năm ngoái và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm cũng đã lần đầu tiên ghi nhận giá trị dương hôm 25/2, trong khi mức lãi suất chuẩn của trái phiếu German Bund kỳ hạn 10 năm cũng tăng, dù vẫn ở mức âm.
Sau khi diễn biến chậm lại đáng kể vào năm 2020, chỉ số lạm phát tại châu Âu dự kiến sẽ tăng trong năm nay, thời điểm nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau khi các biện pháp “bế quan toả cảng” nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 được nới lỏng.
[EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Eurozone]
Dữ liệu lạm phát của châu Âu trong tháng 1/2021 cho thấy chỉ số giá tăng đã 0,9% so với mức âm 0,3% hồi tháng 12/2020, do chi phí nguyên liệu thô được đưa vào dịch vụ và hàng công nghiệp tăng.
Nhiều chuyên gia phân tích quan ngại rằng chương trình kích cầu của tân Tổng thống Biden sẽ châm ngòi cho lạm phát gia tăng đáng kể.
Tuy nhiên, người đứng đầu Viện quan sát kinh tế Pháp Xavier Ragot khẳng định rằng ông không rõ liệu kế hoạch phục hồi của ông Biden có tạo ra lạm phát tại Mỹ hay không nhưng đối với Liên minh châu Âu, điều này chắc chắn không xảy ra.
Chương trình phục hồi kinh tế của châu Âu chỉ có trị giá 750 tỷ euro (920 tỷ USD), bên cạnh một số chương trình riêng lẻ của các quốc gia thành viên. Fabien Tripier, chuyên gia kinh tế tại CEPII, một trung tâm nghiên cứu về kinh tế thế giới có trụ sở tại Paris, cho biết: “Chương trình phục hồi của châu Âu không quá lớn như của Mỹ, trong khi sự mất mát tăng trưởng lại lớn hơn nhiều, vì vậy tại châu Âu không có rủi ro tăng trưởng quá nóng như nền kinh tế lớn nhất thế giới.”
Để so sánh, kinh tế Mỹ đã suy giảm 3,5% vào năm ngoái, trong khi mức giảm của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là gần gấp đôi con số này.
Chuyên gia Xavier Ragot cũng khẳng định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nhất thiết phải tuân theo hành động của Fed trong trường hợp thể chế này buộc phải nâng lãi suất sớm hơn dự định./.